Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La, cho biết: “Đây là chương trình “Học kỳ trong quân đội” có nhiều nét đặc biệt. 57 học sinh tham gia lớp học đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 11 em mồ côi cha, 1 em là con liệt sĩ, 3 em được nuôi tại đồn biên phòng, 1 em không nói được tiếng phổ thông... Các em đều thiếu thốn tình cảm của người thân, gia đình, hoàn cảnh nghèo khó, không có điều kiện tiếp xúc, học hỏi ở những môi trường xã hội phát triển và hầu như quanh năm gắn bó với nương rẫy, bản làng biên giới xa xôi. Qua kiểm tra sức khỏe của quân y BĐBP tỉnh, nhiều em bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển, hoặc mắc các bệnh thông thường khác do môi trường, điều kiện sinh hoạt chưa bảo đảm. Có em mồ côi cả cha và mẹ, ở với ông bà già yếu, khi bị ốm nhập viện chỉ có các cô chú quân y BĐBP tỉnh và Tỉnh đoàn Sơn La thay nhau trông nom, chăm sóc”.

Các học viên tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” do BĐBP tỉnh Sơn La và Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp tổ chức.

Chính bởi hoàn cảnh như vậy nên những ngày đầu tham gia lớp học đặc biệt này, các em rất bỡ ngỡ, bối rối, rụt rè, thiếu kỹ năng. Bằng tất cả tâm huyết và tình yêu thương con trẻ, ban chỉ đạo, ban tổ chức đã nghiên cứu, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm sinh lý, phong tục tập quán, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu của từng em để xây dựng một chương trình phù hợp nhất, với mong muốn giúp các em tiến bộ trong thời gian tham gia “Học kỳ trong quân đội”. Theo đó, chương trình có 40% nội dung giáo dục truyền thống, kiến thức quốc phòng; 40% kỹ năng và 20% bổ trợ. Trăn trở nhất của các giáo viên là thiết kế bài giảng về sự chia sẻ yêu thương giữa những người thân trong gia đình, trong khi hầu hết các em mồ côi và thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc. Nhưng với mong muốn các em cảm nhận được nhiều nhất sự quan tâm của những người "bố nuôi" BĐBP, của cộng đồng, từ đó quyết tâm phấn đấu vươn lên nên bài giảng được thiết kế và thực hiện thành công.

Rất đáng mừng, sau thời gian tham gia nhiều hoạt động, các “chiến sĩ nhí” đã thay đổi và trưởng thành nhanh chóng. Các em đã mạnh dạn, hòa đồng, tự tin hơn, tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích. Có em trước đó chưa nói được tiếng phổ thông, nay đã bắt đầu bập bẹ vài từ. Các em mồ côi cha mẹ đã mạnh dạn chia sẻ hoàn cảnh với nhau, kết nối tình yêu thương và cảm nhận được tấm lòng của những người "bố nuôi, mẹ nuôi" BĐBP. Nhiều em còi xương, suy dinh dưỡng, thể lực yếu, qua những ngày được ăn uống đầy đủ, sinh hoạt, tập luyện theo chế độ, bổ sung các loại vitamin nên thể lực đã tốt lên trông thấy. Các em bị bệnh đã và đang được điều trị. Một em hở van tim hai lá được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhận hỗ trợ phẫu thuật… Đó là những niềm vui không thể nói bằng lời của Ban tổ chức chương trình, của các cán bộ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Tỉnh đoàn Sơn La, đặc biệt là của các em học sinh lớp học đặc biệt này.

Em Giàng A Hờ, dân tộc Mông, ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tâm sự: “Em mồ côi cả bố lẫn mẹ khi chưa tròn một tuổi. Các "bố nuôi" BĐBP đã nhận nuôi em tại đơn vị, đã cho em hiểu thế nào là tình yêu thương của bố mẹ. Qua lớp học này, em được biết thêm nhiều bạn bè, anh em và hiểu thêm tình yêu thương giữa những người trong gia đình. Chúng em hứa sẽ học thật tốt để không phụ công của các bác, các chú BĐBP”.

Có được thành quả kể trên, Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh Sơn La, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Chương trình nhận được sự ủng hộ, quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La. Thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ tối đa cho Ban tổ chức chương trình. Lớp học còn được lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh gặp mặt, động viên và tặng quà. Khi các em về tham quan Thủ đô Hà Nội, đã được Thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tổ chức gặp mặt, động viên, tặng quà. Thủ trưởng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều quan tâm đặc biệt tới các em, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các em trưởng thành, tiến bộ”.

Lớp học khép lại, nhưng đã mở ra một cách làm mới, giúp các em học sinh được đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” được hỗ trợ nhiều hơn, có cơ hội phát triển toàn diện, như lời chia sẻ của Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy BĐBP: “Với tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP dành cho trẻ em nghèo nơi biên giới, Bộ tư lệnh BĐBP yêu cầu các đơn vị trong toàn lực lượng nghiên cứu học tập, vận dụng cách làm sáng tạo của BĐBP tỉnh Sơn La”.

Bài và ảnh: LÂM TỚI