Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Vậy kết quả cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chí: Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao, 534 sản phẩm 3 sao. Đồng thời, Hà Nội cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP (chiếm 21% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước) và số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Chương trình OCOP 2021-2025 của thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định. Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao có sản phẩm OCOP.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Chí. Ảnh: NGHINH XUÂN

Thành phố cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố đánh giá và phân hạng; phấn đấu có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; 30% chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Đặc biệt, 100% trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).

PVNgoài các kênh tiêu thụ truyền thống, việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, TikTok... được Hà Nội thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Nếu ở giai đoạn 2018-2020, Chương trình OCOP tập trung vào đánh giá, phân hạng sản phẩm thì đến giai đoạn 2021-2025, xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số được coi là nét đặc trưng phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Theo định hướng đó, Hà Nội tiên phong trong việc đầu tư, nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Năm 2021, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển kinh doanh, cắt giảm các chi phí về phát triển cửa hàng và kênh phân phối trong giai đoạn dịch Covid-19, Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội đã tổ chức một số sự kiện quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số: Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây” tổ chức vào tối thứ sáu hằng tuần trên nền tảng Facebook, góp phần thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, ngày 31-8-2022, Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội đã ký kết hợp tác chiến lược với TikTok hướng tới mục tiêu giúp các chủ thể OCOP nâng cao kiến thức, có khả năng ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây không chỉ là tín hiệu chuyển đổi số tích cực trong nông nghiệp mà còn tạo kênh tiêu thụ bền vững cho các chủ thể OCOP, đồng thời lan tỏa những giá trị tinh hoa bản địa, nắm bắt xu hướng đối với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

PV: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Vậy Hà Nội sẽ làm gì để khai thác tiềm năng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Để phát triển du lịch nông thôn theo tinh thần mới trong xây dựng NTM, Hà Nội xác định phát triển hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng; có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trong hoạt động du lịch. Tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng, phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục-du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững.

leftcenterrightdel

Trình diễn, giới thiệu sản phẩm thêu tại Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP lần thứ 18 ở Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN 

PV: Xây dựng mô hình nông thôn thông minh ở các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cần gắn như thế nào với chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn nói riêng và chuyển đổi số quốc gia hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Bộ tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cũng quy định rất rõ mô hình nông thôn thông minh với các yêu cầu cụ thể. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã NTM thông minh trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy ứng dụng chuyển đổi trong sản xuất. Vì vậy, xây dựng mô hình nông thôn thông minh cũng chính là một phần của chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.

PVTrân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)