Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm công nhận những sản phẩm chuẩn hóa theo các tiêu chí của chương trình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ đó khẳng định về chất lượng, uy tín sản phẩm, tham gia mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chủ thể và góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
 |
Các đại biểu trải nghiệm các sản phẩm tại hội nghị. |
Trong đợt này, toàn tỉnh có 41 hồ sơ sản phẩm của 24 chủ thể tham gia, gồm: 6 công ty, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 3 trang trại, 9 hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, huyện Bàu Bàng có 6 sản phẩm, huyện Dầu Tiếng có 4 sản phẩm, huyện Bắc Tân Uyên có 23 sản phẩm, thị xã Tân Uyên có 3 sản phẩm và TP Thuận An có 5 sản phẩm. Trong số 41 sản phẩm có 31 sản phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, 2 sản phẩm nhóm thực phẩm chế biến, 2 sản phẩm nhóm gia vị, 4 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn, 2 sản phẩm nhóm đồ uống không cồn.
 |
Bình Dương hiện đã có 47 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao đến 4 sao. |
Trên cơ sở căn cứ hồ sơ sản phẩm theo đề xuất của các địa phương, Tổ tư vấn đánh giá đối với hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt này có 2 sản phẩm đề nghị công nhận đạt OCOP 4 sao, 39 sản phẩm đề nghị công nhận đạt OCOP 3 sao.
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện nghiêm túc, chính xác, đúng với chất lượng và yêu cầu đề ra. Đồng thời, thông qua việc đánh giá, xếp hạng nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất với quy mô lớn, hướng tới xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, Bình Dương đã có 47 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao đến 4 sao.
THUẬN UYÊN