Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta bước vào thời kỳ rất khó khăn cả về kinh tế và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), bảo vệ Tổ quốc. Không còn viện trợ, lại bị Mỹ bao vây cấm vận, biên giới phía Tây Nam và phía Bắc chưa yên ổn. Tình hình đó đặt ra cho Quân đội ta nhiều vấn đề phải giải quyết, từ việc tổ chức lực lượng, trang bị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời phải tham gia làm kinh tế để cải thiện đời sống của bộ đội. Có thể nói, tất cả những công việc cụ thể của toàn dân, toàn quân ta trong công tác QS, QP ở giai đoạn khó khăn nhất vào những năm 1980-1990 đã được Báo QĐND bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội, bám sát thực tiễn, phản ánh sinh động, đúng đắn và hiệu quả trên các trang báo. Là những phóng viên, biên tập viên Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh thời kỳ đó, chúng tôi có thể khái quát một số nội dung chính của nhiệm vụ QS, QP trong những năm 80-90 của thế kỷ 20, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Báo QĐND.
Về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Sau các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và Kosovo đã cho thấy trong chiến tranh tương lai, đối tượng tác chiến của Quân đội ta sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao, đó là một thách thức rất lớn. Vì vậy, phương châm huấn luyện bộ đội lúc đó là “Huấn luyện theo cách đánh truyền thống của Quân đội ta bằng vũ khí có trong trang bị”. Phóng viên Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh được quán triệt theo sát bộ đội ở thao trường, trong các cuộc diễn tập để phản ánh tinh thần, phương pháp tổ chức huấn luyện, phân tích, đánh giá kết quả huấn luyện, có nhiều bài viết nêu được những điển hình của các đơn vị và cá nhân huấn luyện giỏi. Đây là những bài viết không chỉ nhằm cổ vũ, động viên bộ đội mà còn giúp cấp trên kịp thời có thêm thông tin từ thực tiễn cơ sở để chỉ đạo toàn quân huấn luyện sát yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu hơn.
Cục Huấn luyện-Chiến đấu (Cục Quân huấn ngày nay), Bộ Tổng Tham mưu rất coi trọng công tác tuyên truyền của Báo QĐND, đã tạo điều kiện cho phóng viên xuống các đơn vị lấy tư liệu viết tin, bài, bảo đảm nội dung phong phú và đúng định hướng chỉ đạo công tác huấn luyện của trên.
Nhiệm vụ xây dựng lực lượng
Điểm khác biệt của công tác xây dựng lực lượng trong thời bình là xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Đây là nội dung mới nhưng rất quan trọng trong công tác tuyên truyền trên Báo QĐND. Xây dựng lực lượng DBĐV bao gồm tổ chức biên chế, huấn luyện và quản lý. Tất cả những công việc này rất mới, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Phóng viên Báo QĐND bám sát sự chỉ đạo của Cục Tổ chức-Động viên (Cục Quân lực ngày nay), Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời theo dõi công việc triển khai ở đơn vị, địa phương để phản ánh trên báo. Nhiều đơn vị phối hợp với địa phương tạo được các mô hình trong tổ chức biên chế, quản lý và huấn luyện quân dự bị. Qua cách làm đó, báo từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp. Nhiều bài viết trên Báo QĐND mang tính phát hiện, đã góp phần giúp các cơ quan chức năng chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, các biện pháp làm cho công tác xây dựng lực lượng DBĐV ngày càng tốt hơn, đặc biệt là việc xây dựng các chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng DBĐV ngày càng phù hợp hơn.
Nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng
Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược mà đất nước nào trong thời bình cũng phải thực hiện. Kết hợp kinh tế với quốc phòng của Quân đội ta triển khai trên mọi lĩnh vực không thể đề cập hết trong bài viết này, tôi chỉ nêu hai đề tài mà Báo QĐND tuyên truyền rất hiệu quả. Đầu tiên là việc kết hợp quân-dân y trong chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ở đây, hệ thống y tế cơ sở của Nhà nước rất hạn chế, nhiều nơi không có, nhân dân chỉ dựa vào các trạm quân y của các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn. Ban đầu, Báo QĐND chỉ phản ánh những trường hợp cụ thể việc quân y các đơn vị khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Sau đó nêu vấn đề kết hợp quân-dân y thành một chủ trương lớn của ngành y tế. Từ thực tế, báo đã chỉ ra những khó khăn của các trạm quân y lúc ấy là rất thiếu thuốc men và thiết bị y tế, trong khi nhân dân rất tin các thầy thuốc quân đội, còn y tế nhà nước lại không thể có lực lượng rải ra ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thực trạng đó đã dẫn đến việc Bộ Y tế và Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đưa ra chương trình kết hợp quân-dân y trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Bộ Y tế hằng năm đều có kế hoạch hỗ trợ thuốc men, thiết bị y tế cho quân đội, từ đó, các trạm quân y nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn.
Vấn đề thứ hai là vận dụng chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Trong quân đội có hệ thống nhà trường đào tạo sĩ quan và nhân viên kỹ thuật, nhưng trong thời bình, nhu cầu đào tạo cho quân đội không nhiều, song cũng không thể giảm quy mô của các trường, thậm chí còn phải phát triển, để khi quân đội cần là có thể đào tạo được ngay. Như vậy phải tận dụng năng lực đào tạo của các trường quân đội vào việc đào tạo cho nhu cầu dân sự. Mặt khác, khi đó các trường dân sự cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của xã hội. Vấn đề này được Báo QĐND nêu lên và ngay lập tức được các trường trong toàn quân rất ủng hộ. Kết quả là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương, các trường trong quân đội sẽ tuyển sinh đào tạo những ngành nghề mà trường có khả năng. Những “sản phẩm” mà các trường quân đội đào tạo ra có chất lượng cao và được xã hội công nhận.
Tuyên truyền về xây dựng khu vực phòng thủ
Từ thực tiễn thế giới và trong nước, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa, Quân đội ta đưa ra chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT). Đây là hình thức nhằm phát huy lực lượng tại chỗ của các địa phương, giữ vững an ninh, quốc phòng trên từng địa bàn, mỗi làng xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh trở thành KVPT vững chắc, tạo ra thế trận liên hoàn vững chắc trên phạm vi cả nước. Khi mới triển khai nhiệm vụ xây dựng KVPT có nhiều yêu cầu đặt ra như xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, tổ chức chỉ huy, phối hợp lực lượng an ninh với quốc phòng, các lực lượng của các đoàn thể quần chúng tạo thành lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải làm sao cho mọi người dân tin tưởng vào khả năng đánh thắng kẻ thù trong thế trận của KVPT. Có thể nói, qua thời gian nhiều năm, xây dựng KVPT với nhiều cuộc diễn tập từ cấp xã, phường, quận, huyện đến cấp tỉnh, thành phố đã cho thấy sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong thời kỳ mới. Báo QĐND đã làm rất tốt công tác tuyên truyền về KVPT, có nhiều bài viết phản ánh các cuộc diễn tập, những cách làm hay trong xây dựng KVPT vững mạnh.
Viết về QS, QP trong thời bình là việc rất khó để hấp dẫn bạn đọc, vì vậy, chúng tôi cố gắng tìm ra vấn đề để phản ánh, làm cho người đọc chú ý đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bài viết phải nhắm đến mục tiêu làm cho công tác QS, QP ngày càng tốt hơn, hiệu quả của bài báo chính là sự hấp dẫn đối với người đọc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đọc với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù khó khăn rất nhiều nhưng phóng viên Báo QĐND luôn giữ vững truyền thống xông xáo trên mọi “chiến trường” để có những thông tin mới nhất, những bài viết thuyết phục nhất, tạo được niềm tin yêu của toàn quân, toàn dân đối với tờ báo QĐND.
Đại tá PHẠM MINH CHÂU, Nguyên Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân