Gần 70 năm trước, theo chỉ đạo của trên, Báo QĐND cử hẳn một phóng viên chuyên trách “nằm vùng” ở Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và Chính ủy Song Hào coi phóng viên như người của đơn vị. Được giao nhiệm vụ “nằm vùng”, tôi được cán bộ, chiến sĩ đại đoàn gọi là đồng chí “phóng phái”. “Phóng” là phóng viên Báo QĐND, “phái” là phái viên của cấp trên. Tôi rất thích và không bao giờ có thể quên cái tên đặc biệt đó.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các phóng viên Báo QĐND chúng tôi bám sát chiến hào cùng bộ đội Sư đoàn 308, Sư đoàn 312…; tòa soạn tiền phương xuất bản 33 số báo ngay tại mặt trận. Đặc biệt, Đại đoàn 312 với chiến công bắt sống tướng Đờ Cát, và chính những người hùng của đại đoàn, do Đại đội trưởng Quốc Trị dẫn đầu, đã kể lại cho tôi nghe chiến công đó để viết bài, đăng báo kịp thời, nóng hổi.

Vinh dự và hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ) được cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị trước khi về giải phóng Thủ đô, được nghe Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Sau đó, tôi được đi trong bộ phận “tiền trạm” của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) về tiếp quản Thủ đô.

Ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 được thành lập. Thật vui khi được biết các đơn vị của quân đoàn chủ lực, cơ động, chiến lược đầu tiên không phải đơn vị nào xa lạ với chúng tôi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là các sư đoàn 308, 312, 320B; Sư đoàn Phòng không 367, Lữ đoàn Pháo binh 45, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Lữ đoàn Công binh 299, Trung đoàn Thông tin 140… Đặc biệt, chính ủy của quân đoàn đầu tiên của quân đội ta, tướng Lê Quang Hòa, từng là Tổng biên tập Báo QĐND, thủ trưởng cũ của chúng tôi trong những năm 1964-1972.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 đã cùng các đơn vị bạn xiết chặt vòng vây, đập tan các ổ kháng cự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn; ngày 30-4-1975 đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc sở chỉ huy Bộ tổng tham mưu ngụy.

Trong những ngày ở Sài Gòn vừa giải phóng, để viết bài, tôi có dịp tiếp xúc và “phỏng vấn” nhiều tướng, tá Quân đội Sài Gòn, kể cả tướng Dương Văn Minh (tổng thống cuối cùng), tướng Nguyễn Hữu Có (phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng). Các tướng, tá ngụy Sài Gòn khi đó, từ thời dưới quyền Pháp sau này là Mỹ, đều nhắc đến một điều giống nhau, là mỗi khi chuẩn bị chiến dịch, mở cuộc hành quân, là họ lại phải săn tìm cho được tin tức về các sư đoàn 308, 312, 320… xem đang hoạt động ở đâu, liệu chúng có phải chạm trán không? Họ thừa nhận rất ngại, rất sợ đụng đầu với các đơn vị đó.

Một chi tiết mà tôi nhớ mãi: Tại Bộ tổng tham mưu ngụy mà Quân đoàn 1 vừa chiếm lĩnh khi giải phóng Sài Gòn, có một cuốn nhật ký tác chiến mà bộ đội ta thu được của địch, ghi nhiều lần nội dung: “Sư đoàn 308 đang ở đâu?”. Tình báo Mỹ, ngụy cũng không thể trả lời được câu hỏi đó. Chúng không thể biết sư đoàn “quả đấm thép” mà chúng sợ nhất, khi đó đang ở lại miền Bắc, làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, bảo vệ hậu phương lớn. Địch sợ cả sự “im tiếng”, sự “vắng mặt” của Sư đoàn Quân Tiên Phong trên chiến trường. Thật là điều lý thú!.

Đại tá NGUYỄN KHẮC TIẾP

(nguyên phóng viên Báo QĐND)