Hóa ra người đàn ông ăn mặc giản dị, dáng vẻ hiền lành ngồi cạnh tôi nguyên là chiến sĩ trinh sát đặc công thuộc Đại đội 20, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), từng chiến đấu dũng cảm "vào sinh ra tử" trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở thành giảng viên Trường Đại học Việt Bắc. Từ một thương binh sau chiến tranh, ông đã nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành giảng viên, là phó giáo sư, tiến sĩ. 

leftcenterrightdel
Trang bìa tiểu thuyết “Trung đoàn 165”. 

Hôm ấy, ông Dũng tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Trung đoàn 165” viết về các trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 165 trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược; từ những trận đánh ở Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) cho đến những ngày đêm chiến đấu ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, Bình Dương, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là cuộc chiến mà tác giả đã trực tiếp tham gia, góp một phần xương máu và phản ánh khách quan cục diện của cuộc chiến. Với 637 trang, trình bày khổ 14,5x20,5cm, do NXB Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2015, cuốn sách được chia thành 4 phần với 19 chương cùng phụ lục ảnh.

Tiểu thuyết “Trung đoàn 165” như dựng lại khung cảnh mặt trận, khắc họa sự khốc liệt qua từng trận đánh; sự son sắt, nặng tình đồng đội của các chiến sĩ Trung đoàn 165. Đặc biệt, hình tượng người chiến sĩ cách mạng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc, lập nhiều chiến công, làm tròn nghĩa vụ quốc tế được tái hiện sống động, rõ nét và chân thật nhưng không bi lụy qua các phần, chương như: “Ra trận-Lính mới tò te...”; “Chiến đấu trong Thành cổ”... Bằng trải nghiệm và những câu chuyện có thật, tác giả đã tái hiện những trận đánh của bộ đội ta trên đất nước Triệu Voi, tô thắm truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt-Lào trong “Bóc ngàn ba chọc cổ rồng-10 năm chiến thắng Sảm Thông-Nam Cha”…

Mỗi chương trong tác phẩm cho người đọc thấy rõ, chính sự mưu trí, dũng cảm và tình yêu quê hương, đất nước đã tạo nên những chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Chính sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên tình đồng đội thiêng liêng, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Tác phẩm là kinh nghiệm, tình cảm và tâm huyết cả đời của tác giả, là sự tri ân đồng đội. Qua tiểu thuyết “Trung đoàn 165”, tác giả mong muốn khơi dậy tinh thần yêu nước, sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay, từ những giá trị truyền thống, lịch sử, cách mạng của dân tộc.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM