Giao thông nông thôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Chất lượng mạng lưới đường sá quyết định sự lưu thông hàng hóa và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, các vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế nông thôn-nông nghiệp nước ta còn ở trình độ thấp, thị trường hạn hẹp và bị chia cắt, thì việc tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Ngược lại, khi kinh tế nông nghiệp phát triển đến trình độ nhất định, sản lượng hàng hóa cao, sẽ tạo ra được nguồn vốn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trong đó có giao thông vận tải. Mối quan hệ biện chứng này sẽ tác động làm thức tỉnh cả khu vực nông thôn, nông nghiệp rộng lớn, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường.

Làm đường giao thông nông thôn (ảnh internet)

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, muốn phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, một trong những vấn đề trước hết phải giải quyết là phát triển đồng bộ giao thông nông thôn. Muốn làm được điều đó, phải có chính sách đầu tư tích cực và đúng hướng từ trung ương đến địa phương. Ở nước ta, thực tiễn nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây khẳng định, hệ thống giao thông nông thôn phát triển đến đâu, thì hàng rào đóng kín của kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc bị chọc thủng đến đó. Nếp sống văn hóa mới dần dần thay thế, những tập quán sản xuất lạc hậu, lối sống hủ tục mê tín bị đẩy lùi từng bước, đời sống vật chất và văn hóa của nông dân được cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tăng nhanh. Tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các trọng điểm kinh tế-văn hóa nông thôn, động lực thúc đẩy sự phát triển vững chắc của kinh tế nông nghiệp hàng hóa.

Vào thời điểm này, một trở ngại lớn nhất đang đặt ra đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta là giao thông vận tải nông thôn còn rất yếu kém và không đồng bộ, cơ sở vật chất vừa thiếu thốn, lạc hậu lại bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là đường giao thông miền núi chưa được mở mang phát triển rộng khắp. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển, cung cấp hàng hóa, dịch vụ “đầu vào”, “đầu ra” cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, lâm nghiệp, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Sớm tháo gỡ được khâu này, sẽ tạo ra khả năng thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế trong nước, trước mắt là thực hiện ngay nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Để phát triển nhanh hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Tu bổ, cải tạo và nâng cấp hệ thống đường đã có, bảo đảm vận chuyển hàng hóa và đi lại trong mọi điều kiện thời tiết. Huy động vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện mới trong địa bàn cả nước.

Vận động nhân dân các địa phương đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống đường bộ liên huyện, xã, xóm, bản theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thời gian qua, ở nhiều nơi trong cả nước đã áp dụng có hiệu quả cách làm này để phát triển giao thông nông thôn, nhờ đó bộ mặt vùng đã được thay đổi hẳn, tạo ra mối liên kết giao thông giữa các tuyến đường chính với những vùng sâu, vùng xa.

Một số huyện, xã ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Tây, Thanh Hóa khi quy hoạch thủy lợi đã kết hợp phát triển mở mang đường giao thông thủy bộ. Ở Điện Bàn (Quảng Nam), từ nhiều năm nay, huyện đã đầu tư 37 tỷ đồng làm mới, sửa chữa nâng cấp trên 56km đường giao thông nông thôn, trong đó có 43km rải nhựa cấp thấp, 5,6km đường bê-tông, 7,4km đường cấp phối.

Trên địa bàn miền núi như Bắc Giang, tỉnh đầu tư tới gần 150 tỷ đồng để làm đường giao thông, trong đó 51 tỷ đồng đầu tư làm đường cấp phối giao thông nông thôn, làm mới hàng chục cầu cống; các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái đã kết hợp tốt việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, trồng rừng với việc đầu tư xây dựng mạng lưới đường nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển sản phẩm đến nơi chế biến và tiêu thụ.

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre, trước đây tình trạng cầu khỉ còn khá phổ biến ở vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương giao thông đi trước một bước và với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã đầu tư 553 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 20%, xây dựng mới và sửa chữa 1.240 cầu, chủ yếu là cầu sắt và bê-tông, mở rộng nâng cấp 1.520km đường giao thông nông thôn, 100% được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Là tỉnh có nhiều sông ngòi, kênh rạch nhưng đến nay Bến Tre có 157/160 xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Với kết quả làm được trong thời gian qua, Bến Tre đã dẫn đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về làm đường giao thông nông thôn.

Có chương trình khai thác hiệu quả và trang bị phương tiện kỹ thuật cho giao thông đường thủy, đường bộ nối liền các vùng kinh tế nông thôn theo tinh thần đi thẳng vào công nghệ hiện đại, có chọn lọc ở những khu vực cần thiết, để giải quyết được nhu cầu giao lưu kinh tế và đi lại của nhân dân.

Nâng cao hiệu quả việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các chương trình tài trợ, giúp đỡ các vùng nghèo, xã nghèo để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Mặt khác, làm tốt công tác tổ chức, tạo động lực để mọi thành phần kinh tế, mọi nhà và mọi người dân hăng hái đóng góp của cải, nhân lực nhằm xóa đói, giảm nghèo trong phạm vi cả nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Đại tá PHAN ĐỨC MẠNH (Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị-Quân sự)