Nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên mới phát triển gần chục năm nay. Con tôm hùm đã giúp nhiều hộ trở thành tỷ phú và thấy rằng, do thiếu qui hoạch vùng Vịnh Vũng Tràu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng tôi đã về huyện Sông Cầu…

Một góc Vịnh Vũng Tràu

Sông Cầu là huyện biển của tỉnh Phú Yên, có nhiều đầm phá rất thích hợp cho việc nuôi trồng thuỷ sản, nhưng mới chỉ vài năm trở lại đây, nghề nuôi tôm hùm mới thực sự phát triển. Ông Lê Minh Hảo, một người nuôi tôm hùm nổi tiếng ở ấp Từ Nham, xã Xuân Phương cho biết: Nhờ học được kỹ thuật nuôi, qua mấy vụ, đến nay gia đình ông có vốn đầu tư nuôi 30 lồng tôm với hơn 150 con tôm hùm thịt, với mức giá hơn 700.000đ/kg tôm thịt như hiện nay, mỗi năm ông thu lãi gần một trăm triệu đồng. Ở xã Xuân Phương, những người có vài chục lồng tôm như ông Hảo không phải là ít. Con tôm đã làm cho người dân các xã vùng đầm phá của huyện Sông Cầu thoát nghèo, và không ít hộ đã trở nên giàu có nhờ nuôi tôm hùm.

Huyện Sông Cầu hiện có hơn 700 bè và hơn 10.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tập trung ở các xã vùng đầm phá như Xuân Phương, Xuân Đài, Xuân Thịnh, Xuân Hải… đã đem lại thu nhập mỗi năm vài trăm tỷ đồng cho người nuôi. Con tôm hùm của Sông Cầu đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và ra cả thị trường nước ngoài. Nghề nuôi tôm hùm phát triển đã đem lại sự khởi sắc về kinh tế cho Sông Cầu, nhưng với việc phát triển tự phát như hiện nay, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đã hiển hiện, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của hệ sinh thái vùng đầm phá.

Tôi đã có dịp đi thăm vùng vịnh Vũng Tràu, thuộc xã Xuân Phương, nơi có số hộ nuôi tôm hùm nhiều nhất của huyện Sông Cầu. Suốt dọc chiều dài hơn 3km bờ vịnh, hàng nghìn hộ dân đã tập trung nuôi thả hơn 400 bè và gần 6000 lồng tôm hùm. Từ xa, vịnh Vũng Tràu nhìn như một thành phố nổi với những lồng bè nhấp nhô trên sóng. Hàng nghìn con người sinh sống bằng nghề nuôi tôm hùm trên lồng bè hàng ngày thả vào môi trường vịnh hàng chục tấn chất thải, từ thức ăn cho tôm đến vỏ sò, dầu nhớt và cả chất thải của con người. Môi trường biển vùng vịnh Vũng Tràu đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Ông Võ Hùng, ở xã Xuân Phương chở tôi đi trên chiếc ghe máy chạy quanh vịnh Vũng Tràu. Quả thực, có đi trên vịnh Vũng Tràu, mới thấy được mức độ ô nhiễm môi trường nước ở đây bởi sự thiếu ý thức của nhiều người nuôi tôm. Lập lờ dưới làn nước trong xanh là vỏ bao ni-lông, chai nhựa, là rác thải sinh hoạt của người dân ven bờ vịnh đổ vào biển cả. Biển đã đem lại nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây, nhưng những người dân do thiếu ý thức đã vô tình huỷ hoại môi trường biển và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Bác Nguyễn Bá, một người nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Tràu nói với tôi: Trước đây, khi còn ít người nuôi tôm, con tôm hùm lớn nhanh và ít bị bệnh. Nhưng giờ đây do nhiều người nuôi, môi trường bị ô nhiễm, con tôm hay bị bệnh chết, nhiều loại thuỷ sinh trong vùng cũng bị ảnh hưởng.

Ông Võ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: Trước nguy cơ ô nhiễm của vùng vịnh Vũng Tràu, nhiều năm qua, xã đã mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm hùm nêu cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường vùng vịnh như vận động các hộ nuôi tôm trên lồng bè không được thả rác thải, thức ăn, vỏ sò xuống biển. Những hộ nuôi tôm trên bè phải có thùng rác chứa rác thải sinh hoạt và thức ăn dư thừa cho tôm phải mang vào bờ để xử lý, không được thải xuống biển. Nhưng do, ý thức của người dân chưa cao nên nguồn nước ở vùng nuôi tôm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xã đang quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là cán bộ khuyến ngư phải tăng cường bám sát người dân để tuyên truyền, vận động và giáo dục, thậm chí áp dụng cả biện pháp phạt hành chính nếu phát hiện những hộ nào cố tình vi phạm việc bảo vệ môi trường nước ở vùng vịnh Vũng Tràu.

Về vùng nuôi tôm hùm nổi tiếng của huyện Sông Cầu, tôi cảm nhận được một điều: Sự giàu có của người dân là có thật, nhưng hiểm hoạ ô nhiễm môi trường cũng đang ở rất gần. Để bảo vệ hệ sinh thái vùng đầm phá và nghề nuôi tôm hùm ở đây phát triển bền vững, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và huyện Sông Cầu cần sớm có quy hoạch vùng nuôi tôm, tránh để tình trạng phát triển tự phát như hiện nay.

Bài và ảnh: PHẠM VĂN MẤY