Từ những nỗ lực tự học của bản thân mà Đại tá, PGS, TSKH, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Hoàng, Phó viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV TƯQĐ 108) đã vinh dự là người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ 4 được nhận Giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Alexander von Humboldt (Đức)...
QĐND - Từ những nỗ lực tự học của bản thân mà Đại tá, PGS, TSKH, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Hoàng, Phó viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV TƯQĐ 108) đã vinh dự là người Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ 4 được nhận Giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Alexander von Humboldt (Đức) với đề tài: “Tân tạo tuần hoàn trong vạt vi phẫu chủ động và nuôi cấy tế bào trên khuôn vật liệu sinh học để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều được nuôi dưỡng dạng trục mạch”.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y năm 1987, anh đã nộp đơn tình nguyện xin đi phục vụ tại chiến trường Cam-pu-chia và trở thành bác sĩ quân y tại Bệnh xá Trung đoàn 2, Sư đoàn 330, thuộc Mặt trận 979. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, BS Nguyễn Thế Hoàng trở về công tác tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình của BV TƯQĐ 108. Cũng từ đây, ngoài giờ làm việc ở bệnh viện, anh lại tranh thủ thời gian rỗi để học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức theo các khóa học buổi tối để có thể tham khảo và cập nhật các tài liệu chuyên môn nước ngoài. Chỉ trong vòng 5 năm (1989-1994), BS Nguyễn Thế Hoàng đã tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 1 loại giỏi, và cùng lúc hoàn thành chứng chỉ bằng C cả 3 ngoại ngữ là Anh, Pháp, Đức. Với vốn ngoại ngữ cộng thêm lòng khát khao và say mê nghiên cứu khoa học, anh đã thi đỗ rồi được Cơ quan Trao đổi Hàn lâm khoa học Liên bang Đức trao học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành chấn thương-chỉnh hình tại Trường Đại học tổng hợp Munich.
Đại tá, PGS, TSKH, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Hoàng.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, khi anh trình bày về ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Tân tạo tuần hoàn trong vạt vi phẫu chủ động”, nhiều đồng nghiệp đã băn khoăn về khả năng thành công của đề tài. Vượt lên trên mọi khó khăn, anh đã tập trung tối đa thời gian và trí tuệ để thực hiện thành công những ý tưởng độc đáo của đề tài. Cũng qua đề tài này, bằng sự nhạy bén khoa học đặc biệt, anh tiếp tục hoàn thành thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị liên quan đến đề tài như “Tìm hiểu ảnh hưởng của silicon đến mối nối mạch máu vi phẫu”, “ Đề xuất phương pháp định lượng các mạch máu qua chụp vi tuần hoàn chọn lọc”, “Hiệu quả của bơm giãn để tăng kích thước vạt tạo hình”, “Nuôi cấy tế bào trên khuôn vật liệu sinh học để tạo các cấu trúc sống mới nhân tạo”... Đây là những công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng khoa học thế giới trong chuyên ngành tạo hình. Những công trình khoa học của anh đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín như: Journal of Trauma, Microsurgery, Clinical Orthopedic and Related Research… Với đề tài nghiên cứu: “Tân tạo tuần hoàn trong một vạt tổ chức được tưới máu ngẫu nhiên sau cấy một cuống mạch”, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học với kết quả xuất sắc và được nhà trường giữ lại để làm trợ giảng. Chưa dừng lại ở đó, gần 3 năm sau anh tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với kết quả xuất sắc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, anh được Trường Đại học tổng hợp Munich phong đặc cách học hàm phó giáo sư và trở thành giảng viên chính thức của Trường Đại học tổng hợp Munich-một trường đại học danh tiếng của Đức.
Bài và ảnh: ANH THÁI