QĐND Online - Chương trình thí điểm khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ rất xung yếu tại 21 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đi được gần một nửa thời gian thực hiện. Hầu hết diện tích rừng đã được giao đến từng hộ dân, người dân đã nhận đủ số tiền bảo vệ rừng, màu xanh của rừng đã bắt đầu trở lại, độ che phủ được nâng lên. Điều đó thật đáng mừng nhưng nhìn từ góc độ quản lý và đánh giá toàn diện vấn đề, niềm vui đó mới chỉ được một nửa.
Theo Quyết định số 99/2006/QĐ - TTg ngày 8/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình thí điểm khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ rất xung yếu tại 21 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu (thực hiện từ 1/1/2006 đến 31/12/2010) ngoài mục đích bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn các dòng sông lớn, còn có nhiệm vụ tạo việc làm, định canh định cư, ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc tại chỗ trong vùng, giảm tỷ lệ đói nghèo trong 21 xã. Có thể nói, Chương trình là một cơ hội lớn để nhân dân các xã biên giới của tỉnh có điều kiện phát để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực tế cho thấy nhiều nơi bà con nhân dân đã sử dụng tiền bảo vệ rừng rất hiệu quả, đảm bảo đúng tinh thần Quyết định của Thủ tướng.
Xã Nậm Xe (Phong Thổ) có 6.895ha rừng đã được giao toàn bộ 22 cộng đồng nhóm hộ dân trong xã, tiền bảo vệ rừng được chia đến từng nhóm sau đó các nhóm tự phân chia theo sự thống nhất của các thành viên. Tại đây, sau khi ký nhận tiền nhân dân đã tự nguyện để lại 100.000đồng/ha, nhờ chính quyền xã giữ. Theo bà con, sau khi Chương trình thí điểm kết thúc, người dân đã có một khoản tiền lớn, cùng với nguồn từ các chương trình Nhà nước đầu tư cho xã đủ để đầu tư xây dựng nhà văn hoá thôn, bản hoặc mua giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế bền vững hơn. Còn tại xã Sin Súi Hồ (Phong Thổ) sau khi ký nhận tiền, không hộ dân nào lấy tiền về và gửi hết lại xã. Lý do mà bà con đưa ra là: “Con đường vào bản khó đi quá, người buôn vào mua ngô, lúa, trâu, lợn rẻ quá, chúng tôi làm con đường để mang ngô ra ngoài bán giá cao hơn. Xã giữ tiền giúp chúng tôi, chúng tôi giữ rừng cho Nhà nước”. Chính quyền lo lắng vì sợ sai chủ trương (tiền phải được trả đến từng hộ dân), Ban Quản lý dự án 661 của huyện phải xuống tận từng bản, họp dân, lấy chữ ký từng hộ và nguyện vọng của bà con mới dám giữ lại tiền...
 |
Một cánh rừng được bảo vệ tốt tại xã Sì Lờ Lầu (Phong Thổ) |
Sau hai năm triển khai hợp đồng giữ rừng với từng bản, độ che phủ rừng của xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè) đã nâng lên 41%. Điều này cho thấy chính sách của Nhà nước đã rất hợp tình hình thực tế. Cũng giống các xã kể trên, nhân dân Pa Vệ Sủ cũng để lại 50% số tiền bảo vệ rừng được nhận để gây quỹ, mua giống thảo quả, mua bò, trâu để từ 200.000 đồng/ha sẽ “đẻ” ra gấp ba, gấp bốn con số đó. Ông Lỳ Lý Hừ - Bí thư đảng uỷ xã cho biết: “Chương trình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với đồng bào các dân tộc trong xã. Từ tiền bảo vệ rừng, người dân đã mua được giống thảo quả và đã triển khai gieo cây giống chuẩn bị tách trồng. Ngoài ra người dân còn còn có dự định mua bò nuôi luân chuyển, làm đường giao thông liên bản. Điều quan trọng không phải số tiền bảo vệ rừng được nâng từ 50.000đồng/ha lên 200.000đồng/ha mà do người dân đã có cái nhìn toàn diện và xa hơn đó là chỉ dùng một nửa số tiền được nhận để tiêu dùng, số còn lại dùng để mua giống”.
Đó là những tín hiệu vui cho thấy hiệu quả của Chương trình, nếu như tất cả các địa phương, nhân dân của 21 xã biên giới trong tỉnh Lai Châu đều làm được như vậy thì thật đáng mừng. Nhưng có một thực tế đáng lo ngại là vẫn còn tình trạng người dân sau khi nhận đủ 200.000đồng/ha/năm đã sử dụng số tiền này vào những việc không đúng như mục đích Quyết định của Thủ tướng. Không có đơn vị nào báo cáo, không có con số thống kê cụ thể nhưng khi được hỏi hầu hết cán bộ các huyện đều khẳng định vẫn còn tình trạng người dân lấy tiền bảo vệ rừng đã mua rượu, mua điện thoại di động và những thứ xa xỉ phẩm khác. Đại uý Phạm Minh Hải - Đội trưởng đội củng cố chính trị cơ sở xã Nậm Ban (Sìn Hồ) cho biết: “Xã Nậm Ban đã phát toàn bộ tiền bảo vệ rừng cho bà con. Từ số tiền này cuộc sống của nhân dân đã được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người dùng tiền này để mua rượu. Chính quyền xã và lực lượng của đội đang hết sức đau đầu để hạn chế tình trạng này...”. Ông Bùi Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mường Tè lo lắng: “Nếu người dân cứ ỷ vào tiền bảo vệ rừng của Chương trình, cho rằng không cần sản xuất vẫn được nhận tiền thì đến khi dự án kết thúc sẽ có người quên mất cách đi cày ruộng, chẳng biết tự làm để nuôi sống mình!”.
Đành rằng tiền bảo vệ rừng là công sức của bà con nhân dân các xã biên giới, bà con có quyền sử dụng số tiền đó theo mục đích của mình. Nhưng Chương trình thí điểm khoanh nuôi bảo vệ rừng sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2010 tới. Khi đó những người có tư tưởng ỷ vào số tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ giống như bị cắt mạch viện trợ, cái nghèo, cái đói lại tiếp tục bám riết nếu như ngay từ bây giờ không có sự thay đổi về nhận thức. Đa số người dân đã suy nghĩ rất tiến bộ nhưng không phải là tất cả. Ông Lý Anh Po - Bí thư huyện Mường Tè trăn trở: “Nếu người dân không biết tận dụng các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế thì bà con không những không thoát nghèo mà cuộc sống ngày càng đi xuống!”. Hiện nay giải pháp để người dân sẽ “mặn mà” hơn với rừng khi Chương trình kết thúc là làm sao để nhân dân phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ rừng. Tại những xã có đủ điều kiện tự nhiên cho cây thảo quả phát triển thì việc đẩy mạnh diện tích này đang là điều khuyến khích và cần thiết. Một số xã có thế mạnh về đồi cỏ có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc qua các hình thức nuôi bò luân chuyển. Tại một số xã có lợi thế về thị trường có thể mở rộng diện tích cây ăn quả... Tuy nhiên để làm được điều đó bà con không nên tiêu hết số tiền được nhận mà nên cùng nhau đóng góp như các xã kể trên đã làm. Hơn nữa, do đây là chương trình thí điểm, mỗi địa phương có một cách thực hiện khác nhau nên UBND tỉnh cần sớm có một văn bản hướng dẫn cụ thể việc trích lại một phần số tiền bà con được nhận với tỷ lệ bao nhiêu, dùng vào việc gì là phù hợp bởi thực tế khi thực hiện các xã đều rất lúng túng.
Đa số các địa phương đều thực hiện đúng tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn còn một số nơi làm chưa đạt với mục đích ấy. Muốn bảo vệ được rừng, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng đời sống, không chỉ lãnh đạo các cấp, ngành liên quan mà ngay lúc này người dân cần xác định và trả lời câu hỏi: Sau 5 năm (khi dự chương trình kết thúc) các xã biên giới, và nhân dân của các xã này sẽ còn lại những gì?
K.Kiên