Chỉ với hơn 200 trang, cuốn sách tái hiện vẹn đầy, sinh động nửa thế kỷ ông đi theo Đảng, theo Bác Hồ, sống và chiến đấu bằng tất cả nhiệt huyết và nghị lực; nhất là những năm tháng ông chỉ huy Đoàn 559 mở đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Trang bìa cuốn sách “Những nẻo đường kháng chiến”.
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915 ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi-một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bước chân ông trên “Những nẻo đường kháng chiến”, từ “Tuổi thơ và những ngày đầu theo Đảng” đến "Kháng chiến chín năm-vào Nam, ra Bắc” rồi thực hiện nhiệm vụ quan trọng “Mở đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh”, tất cả được ông ghi lại như những dòng tâm sự chân thật, giản dị, dạt dào từ trái tim.
Và trong dòng hồi ức ấy, hơn nửa cuốn sách Thiếu tướng Võ Bẩm dành để nói về nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bước ngoặt lớn trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Năm 1959, ông nhận nhiệm vụ tuyệt mật, đó là chỉ đạo và tổ chức mở con đường dọc dãy Trường Sơn để vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ động lực lượng vào chiến trường miền Nam. Mở đường Trường Sơn lúc đó đồng nghĩa với bất cứ lúc nào cũng có thể nằm lại nơi mảnh đất hùng vĩ, hiểm trở, nhất là những “túi nước”-nỗi kinh hoàng của những chiến sĩ qua đây, bởi sự nghiệt ngã của khí hậu vùng rừng nhiệt đới gió mùa hoang sơ, sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng, sự khốc liệt của bom đạn quân thù... Trong điều kiện khó khăn ấy, tiến hành bạt núi, san đồi, lấp suối; tránh địch, bảo đảm bí mật “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”… Thế nhưng, Thiếu tướng Võ Bẩm đã cùng đồng đội làm nên những kỳ tích để sau này, Đường Trường Sơn trở thành con đường chiến lược, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với ông, tổ chức mở đường Trường Sơn là một trong những “hạnh phúc lớn lao” trong quá trình công tác của mình.
Chính những năm tháng kiên cường vượt khó khăn, ngay cả trong lao tù hay trong những ngày lặn lội trên Đường Trường Sơn vẫn một lòng vì sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Võ Bẩm đã làm nên sức hấp dẫn tự thân của cuốn hồi ký. Chắc chắn, đọc cuốn sách, thế hệ hôm nay sẽ càng thêm khâm phục một vị tướng bản lĩnh, một “kiến trúc sư” của con đường Trường Sơn huyền thoại.
THU THỦY