Nụ cười hồn hậu trên gương mặt cương trực của anh đã tắt trên giường bệnh, nhưng như vẫn sáng lên trong tâm trí của những người làm Báo Quân đội nhân dân.

“Một anh lính chiến hẳn hoi mới về cơ quan mình” - Một ngày cuối năm 1982, trong tòa soạn kháo nhau như thế. Nhưng rồi lần đầu gặp mặt chúng tôi thấy anh khác hẳn với sự hình dung. "Lính chiến" - một Chính trị viên tiểu đoàn chiến đấu chính hiệu mà sao trông hiền lành thế!

leftcenterrightdel
 Đại tá Đặng Đình Thi. 

Hiền lành, chu đáo và cẩn thận, cũng từng trải công tác ở cơ quan một đơn vị của Quân đoàn 2 nên anh Đặng Đình Thi bắt tay vào công việc Phó trưởng ban rồi Trưởng ban, Trưởng phòng Trị sự - Hành chính (nay là Văn phòng) của Báo Quân đội nhân dân rất nhanh chóng. Mỗi lần đến phòng nhận giấy giới thiệu đi công tác, chúng tôi lại có dịp trò chuyện về cuộc sống đơn vị trên chiến trường giúp bạn Cam-pu-chia hay các vùng biên giới nơi anh đã từng qua. Anh tâm sự rất yêu quý những nhà báo thích xông pha. Anh cũng từng viết báo, làm thơ nhưng tuổi đã cao không thể vào nghề từ đầu. Phải chăng, chính sự từng trải đã giúp anh thêm gắn bó chu đáo với công việc chăm lo hậu cần, nền nếp, sự vụ hằng ngày, để tờ báo lên khuôn suôn sẻ.

Trong những năm của thập kỷ 1980 ấy, đời sống nhân dân và bộ đội ta còn thiếu thốn, khó khăn nhiều bề, anh em ở báo cũng vậy. Thực hiện chủ trương chung, anh Thi trực tiếp đứng ra lo thu xếp, liên hệ mua gạo và thực phẩm ở những khu vực xa trung tâm thủ đô Hà Nội có giá rẻ hơn về phục vụ nhu cầu trong cơ quan.

Tôi lần giở từng tờ giấy trong tập tài liệu, hồ sơ anh để lại. Những ngày hè năm 1988 ấy sao dài thế, anh Thi đi vào tận các tỉnh Long An, Cần Thơ rồi An Giang lo liệu ký kết hợp đồng mua gạo chuyển ra Bắc cho anh em. Tiền cơ quan ứng ra, tiền anh em góp, có tiền đấy mà thuở ấy mua được rồi chuyển ra Hà Nội đâu có dễ dàng. Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long lúc đó đâu phải dư dả lúa gạo thương phẩm như bây giờ. Đằng sau những bức thư, những bản fax qua lại bàn chuyện giải quyết khó khăn để thêm bớt trong hợp đồng là sự tất tả, lo lắng, mong ngóng của anh cùng anh em trong cơ quan. Rồi gạo cũng đã về, rồi thịt lợn, thóc nếp, gà ăn Tết mua từ Hải Hậu và ở những đâu đó nữa cũng đã về. Những ngày ấy, trên khuôn mặt gầy rộc, sạm đen của anh, nụ cười nở ra tươi hơn hẳn mọi ngày.

Thế rồi đất nước dần khá lên, chủ trương cởi mở cho các cơ quan, cơ sở tận dụng những gì có thể để giúp cán bộ, công nhân viên cải thiện cuộc sống được lãnh đạo tòa soạn bàn với cán bộ hành chính do anh Thi đứng đầu tìm cách thực hiện. Ít mét vuông mặt bằng chưa xây dựng ở trụ sở cơ quan tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được giao cho một số anh em mở ki-ốt. Hội trường được tận dụng những giờ rảnh rỗi buổi chiều, buổi tối hoặc ngày nghỉ mở lớp học hoặc dịch vụ đám cưới… Vậy là anh chị em tuổi cao sắp nghỉ hưu trong các bộ phận gián tiếp có thêm việc làm và thu nhập, còn tòa soạn có thêm điều kiện hỗ trợ anh em khó khăn.

Không chỉ điều kiện sống được cải thiện phần nào mà mọi sinh hoạt chung của cơ quan cũng "tươi" hẳn lên. Phụ nữ, thanh niên và cả cán bộ lãnh đạo cùng sôi nổi tập tành hát múa, diễn kịch, ngâm thơ rồi thi nấu ăn. Sân trước và khoảng trống còn lại ở sân sau ngôi nhà số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội trở thành sân cầu lông, bóng bàn sôi động mỗi buổi chiều. Các đội văn nghệ quần chúng, đội tuyển nấu ăn và các đội tuyển bóng bàn, cầu lông của Báo Quân đội nhân dân đi giao lưu, thi đấu ở đâu cũng được giải, cả ngoài Bắc, trong Nam. Hầu như những cuộc giao lưu, hội diễn hay thi đấu nào của chúng tôi cũng có sự tham gia của anh Thi ở phía sau.

Trị sự - Hành chính là vô vàn việc có tên và không tên. Cùng với việc ra mắt Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, rồi Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng là thêm nhiều việc anh em phải lo, từ giấy in, quan hệ với các nhà in, bộ phận truyền báo, phát hành… đến xăng xe và cả từng chiếc bút bi, hộp ghim, lọ keo dán… cũng góp phần để tờ báo đến với bạn đọc tốt hơn.

Người lính chiến một thời đã trở thành người hậu thuẫn, người đồng hành cùng những phóng viên, những tay bút xông pha. Nét chữ của anh còn đây, sự ân cần chu đáo của anh còn đây.

Dĩ vãng, kỷ niệm không bao giờ mất đi mà đã hóa thân trong nền móng của cuộc sống hiện tại và tương lai. Ngậm ngùi nhớ anh, chúng tôi xin thưa với anh rằng, những tòa nhà mới khang trang của tòa soạn ở Hà Nội, ở miền Trung, miền Nam, những ấn phẩm mới và cả những lớp cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ mới toanh..., tất cả đều hòa quyện cùng dấu ấn, nỗi lòng những người đi trước...

MẠNH HÙNG