 |
Khi phố thành sông, những người dân Hà Nội bỗng chốc trở thành "ngư dân" bất đắc dĩ. Ảnh: VNN |
Trận ngập lụt lịch sử đã xảy ra ở Hà Nội trong mấy ngày đầu tháng 11. Nhiều đường lớn, nhỏ nội đô thành sông và điều hy hữu không thể tin được đã diễn ra: cất vó, nơm bắt cá, chở người, xe bằng bè mảng, thuyền nan ngay trên phố.
Trận lụt này khiến nhiều người bất ngờ. Bất ngờ trước tiên là việc tiêu thoát nước rất chậm. Khi cả thành phố đã đầy ứ nước mà Hà Nội chỉ có mỗi Trạm bơm tiêu Yên Sở là hoạt động. Vậy mà cách đây 7-8 năm, một vị có trách nhiệm của thành phố đã từng tuyên bố: Dự án cải tạo hệ thống thoát nước được đầu tư lớn, khi hoàn thành Hà Nội sẽ thoát khỏi cảnh ngập lụt (?!). Và còn điều bất ngờ này nữa: GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội: “Bây giờ qua báo chí phỏng vấn chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới biết quy hoạch thoát úng ngập chỉ đáp ứng được lượng mưa 170mm (trận lụt lần này lượng mưa lên đến 500mm). Vậy không hiểu cái dự án hoành tráng kia tiêu tiền vào đâu? Các cơ quan chuyên môn của thành phố dự báo thế nào?”.
Trận lụt còn cho thấy lãnh đạo thành phố phản ứng chậm với tình hình. Cho đến chiều ngày 2-11, tức là mưa như trút đã hơn hai ngày đêm, chưa thấy chính quyền các cấp của Hà Nội huy động lực lượng ứng cứu nào đáng kể, trong khi đó các phương tiện truyền thông cũng chưa được trưng dụng để truyền đi các mệnh lệnh nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp… Có người đặt vấn đề: Nếu quyết định được đưa ra sớm hơn thì thiệt hại về người và của không lớn đến như vậy.
Đến thời điểm này, nước vẫn chưa rút hết ở nhiều điểm trong nội thành; vùng ngoại thành rộng lớn sau khi Hà Tây sáp nhập, nhiều hộ dân vẫn thiếu nước sạch, thiếu điện… do bị cô lập trong biển nước; mấy tuyến đê sạt lở, lực lượng vũ trang cùng nhân dân đang quyết giữ vững, không để xảy ra thảm họa vỡ đê. Trong cuộc họp khẩn cấp chiều 4-11 với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão trung ương và lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Việc để xảy ra thiệt hại lớn, nhất là về người trong đợt lũ vừa qua, là bài học cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trước hết là việc dự báo chưa chính xác. Qua thực tế tại Hà Nội cho thấy, cần tính kỹ quy hoạch xây dựng thành phố trong bối cảnh được mở rộng”.
Nhiều nhà khoa học và quản lý khẳng định, thiệt hại lớn từ trận ngập lụt lần này còn là hệ quả tất yếu của một quá trình chỉ đạo thiếu sự nhất quán và chuẩn mực. Theo PGS.TS Lưu Như Phú, Viện Khoa học thủy lợi thì, đã đến lúc phải khẩn trương xem xét lại một cách có hệ thống mạng lưới hồ, cống, kênh và các trạm bơm. Cần mở rộng và nâng cấp trạm bơm hiện có (Trạm bơm Yên Sở) lên gấp 2-3 lần, ngoài ra đặt thêm vài trạm bơm tiêu mới hiện đại. Chỉ có thế, mới hy vọng cảnh khổ với dân như trong "cơn hồng thủy” vừa qua không tái diễn.
Đâu Quảng