QĐND Online – Là một trong những đạo luật đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và các quan hệ kinh tế khác, Luật Kế toán là điều kiện để kế toán trở thành một công cụ có hiệu quả trong quản lý điều hành nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, Luật Kế toán còn thể hiện bước chuyển quan trọng về chất trong công tác kế toán ở nước ta, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, khắc phục những khoảng trống pháp lý trong công tác kế toán tồn tại trong thời gian dài. Tuy nhiên, do được ban hành từ năm 2003, đến nay, nhiều nội dung của Luật Kế toán đã không còn phù hợp khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nền kinh tế đã phát triển một bước cao hơn. Trước yêu cầu đảm bảo có một văn bản luật hợp lý, mang tính chuẩn mực cao, Hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Kế toán do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28-9 là cơ hội cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cùng rà soát luật, đưa ra những sửa đổi hợp lý đệ trình lên Chính phủ nhằm đảm bảo luật phát huy được hiệu lực pháp luật, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Còn nhiều lỗ hổng trong Luật kế toán Việt Nam. Ảnh minh họa/Internet

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: “Về tổng thể, luật kế toán có kết cấu 7 chương, 64 điều, nhìn chung về cơ bản luật như vậy là hợp lý. Tuy nhiên nội dung của luật chưa bao trùm các hoạt động, chưa tính hết những phát sinh và biến động của nền kinh tế - xã hội, chưa thực hiện đầy đủ các cam kết WTO”.

Tại Hội thảo, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam đã chỉ ra 28 vấn đề cần phải rà soát trong Luật Kế toán Việt Nam. Trong đó, các vấn đề tập trung vào những lỗ hổng trong Luật Kế toán. Các vấn đề này đều chưa đạt một trong bốn tiêu chí cần có của một bộ luật là: tính minh bạch, tính thống nhất, tính hợp lý và tính khả thi.

Một số vấn đề nổi trội còn tồn tại trong luật có thể dễ dàng nhận thấy qua hội thảo rà soát lần này. Ông Vũ Xuân Tiền bức xúc cho biết: “Quản lý đạo đức nghề nghiệp kế toán gần như bị buông lỏng. Có nhiều trường hợp nhân viên kế toán nghỉ không lý do, hay ôm chứng từ về nhà bắt giám đốc trả tiền mới trả lại chứng từ cho công ty. Các hành vi bị cấm được đề cập trong Luật Kế toán lại chưa thể hiện rõ tính minh bạch khiến đạo đức nghề nghiệp trở thành vấn đề nóng trong ngành. Thổi phồng quá mức chứng chỉ hành nghề kế toán, không phân biệt rõ giữa hành nghề kế toán và hành nghề dịch vụ kế toán cũng khiến cho những người làm trong ngành đau đầu vì các khái niệm, dễ gây ra nhầm lẫn”.

“Do ở Việt Nam có nhiều rất nhiều nghị định, thông tư bên cạnh các bộ luật, hơn nữa, các luật ở Việt Nam lại ra đời không đồng đều, cho nên việc xuất hiện “độ vênh” giữa các luật, luật sau phủ nhận luật trước là điều dễ hiểu”, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam phân trần tại hội thảo. Theo ông Thanh, khi giữa các văn bản luật có “độ vênh” thì cộng đồng doanh nghiệp nên dựa vào những văn bản luật mới được ban hành để thực thi. Ông Thanh cũng cho rằng, việc rà soát luật là việc làm cần thiết, nằm trong vòng đời của văn bản quy phạm pháp luật.

Các khuyến nghị của luật gia Vũ Xuân Tiền trong báo cáo rà soát Luật Kế toán tại hội thảo cũng đã nhận được những góp ý phản biện từ phía các đại biểu. Thạc sĩ Đào Nam Giang, Khoa kế toán – kiểm toán, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Các khuyến nghị liên quan đến việc tổ chức và đề thi chứng chỉ hành nghề kiểm toán không thuộc phạm vi đánh giá của Luật Kế toán cho nên không cần đề cập đến”. Đồng quan điểm với Thạc sĩ Đào Nam Giang, đại diện ngân hàng thương mại cổ phần hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho rằng: “Việc quy định phần mềm kế toán không được phép chỉnh sửa trực tiếp như Báo cáo rà soát của ông Tiền là không cần thiết, thậm chí là bất khả thi. Do trước khi báo cáo tài chính năm được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đơn vị kế toán vẫn có đầy đủ thẩm quyền và điều kiện sửa chữa báo cáo tài chính miễn sao vẫn tuân thủ các nguyên tắc kế toán và chuẩn mực kế toán”.

Những lỗ hổng mới được phát hiện qua báo cáo rà soát Luật Kế toán lần này cùng với những góp ý bổ sung của cộng đồng các doanh nghiệp sẽ được VCCI tập hợp, xem xét, đánh giá, chọn lọc đăng tải rộng rãi trên website, sau đó gửi báo cáo tổng hợp lên các bộ, ngành có liên quan, Chính phủ nhằm xây dựng một bộ Luật Kế toán hoàn thiện.

Thu Thủy