 |
Học sinh trường THCS Tân Uyên lấy nước.
|
QĐND Online - Gần một tháng nay, cuộc sống của các hộ dân ở khu vực thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) tỉnh Lai Châu bị xáo trộn mạnh vì tình trạng mất nước sinh hoạt. Gần một nghìn hộ dân nháo nhác, chạy đôn chạy đáo lo nước ăn, nước uống… Các mặt hàng như ống nước, thùng, téc đựng nước, máy bơm nước và thậm chí cả nước cũng bán đắt như tôm tươi trong khi cá ao lại xuống giá thê thảm.
Nước giếng lên… ngôi
Hàng nửa thế kỷ nay, từ ngày người dân về đây lập thôn, dựng bản, chưa năm nào hạn hán gay gắt như năm nay. Cũng từ thủa khai sơn phá thạch ở đất này chưa bao giờ người dân ở đây nghe thấy câu gánh nước tưới… ao! Nước sinh hoạt bị cắt, nước sản xuất khan hiếm, người dân thị trấn Tân Uyên đang khốn đốn và đôn đáo tìm nước!
Cách đây hơn hai tuần, UBND thị trấn Tân Uyên thông báo tới các hộ dân sử dụng nước từ đường nước tự chảy của thị trấn chủ động tìm nguồn nước sinh hoạt vì đập đầu nguồn đang được tu sửa, nâng cấp, nước tự chảy sẽ bị mất trong khoảng 2 tuần. Theo thông báo đó, đến nay công trình cải tạo, xây dựng đập đầu mối đã hoàn thành nhưng nước vẫn không thấy. Vậy là cả trung tâm huyện từ cán bộ công chức đến các em học sinh, từ người công nhân đến người chạy chợ đều can, xô, chậu cấp tập đổ bộ vào những hộ gia đình có giếng đào để xin nước. Có người còn nói đùa rằng rắn giáo nằm đầy Quốc lộ để ví cảnh dây dẫn nước chằng chịt mỗi buổi tan tầm.
Cuộc sống, sinh hoạt, công việc đều bị xáo trộn vì mất nước. Anh Đặng Văn Hoà - cán bộ phụ trách điện-nước của Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên cho biết: “Nước sinh hoạt đã bị mất gần một tháng nay”. Còn bác sĩ Vũ Quang Sơn – Phó Giám đốc bệnh viện thì than thở: “Mất nước sinh hoạt, bệnh viện không có nguồn nước nào nên tất cả các hoạt động của Bệnh viện cần đến nước đều phải đi xin của người dân. Mỗi ngày, cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện đều phải đi nhiều lần để lấy nước về vệ sinh phòng ốc, thiết bị, dụng cụ y tế, còn quần áo thì mang về nhà giặt, sau đó mang đến bệnh viện để làm công tác vô khuẩn. Trong các khoa, phòng thì tình hình trầm trọng nhất có lẽ là khoa sản và khoa nhi vì cần rất nhiều nước để vệ sinh.
Trước đây, khi nguồn nước tự chảy vẫn chưa bị mất, những chiếc giếng ở khu tập thể, khu nhà bán trú dân nuôi trường THPT Tân Uyên bị bỏ hoang cho trẻ con chơi trò ném đá, thả thuyền giấy, vứt rác. Nhưng đến thời điểm hiện nay chúng lại trở thành nguồn nước nuôi sống gần 100 học sinh, giáo viên ở tập thể, bán trú của trường. Dẫn chúng tôi đến bên miệng giếng sâu hun hút, tối đen chẳng thấy đáy, chị Trần Thị Yến giáo viên trong trường kể: “Do không còn nguồn nước tự chảy, chúng tôi phải thau, tát giếng để lấy nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh nhưng cũng chỉ đủ để giải quyết những nhu cầu thiết yếu còn cơ bản vẫn phải đi xin của người dân và tắm suối”.
Nguồn nước tự chảy không có trong khi chỉ những hộ dân ở đây từ rất lâu mới có giếng. Trước đây, lúc thành lập huyện mới, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức về đây khá đông, trong đó chỉ có số ít dựng được nhà nhưng cũng không có giếng. Cung không đủ cầu khiến nước giếng vốn là thứ trước đây được cho không nay lại có giá. Thôi thì đủ cả, giá tính theo can, theo bình, theo khối, theo ngày, thậm chí theo cả giờ bơm nước… Chưa có vụ xô xát nào xảy ra vì nước nhưng sứt mẻ tình cảm láng giềng là chuyện không tránh khỏi. Có người chỉ vì thấy mực nước giếng nhà mình vơi cạn trong khi lượng người tới xin nước quá đông nên dù ở nhà cũng vẫn khoá trái cổng, đến khi bà con nói khó, thoả thuận trả tiền mới miễn cưỡng đồng ý. Mất nước sinh hoạt tuy không trực tiếp nhưng cũng góp phần cùng với thời tiết nắng nóng làm cho nước ở các ao, hồ của người dân bị cạn và cũng đã xảy ra tình trạng người dân lén tháo nước ao này sang ao khác để duy trì sự sống của đàn cá. Đối với các công trình xây dựng thì việc đi xin, tìm nước thời gian này quả là một ác mộng. Hiện nay ở đây còn có dịch vụ chở nước thuê bằng xe ô tô cho các công trình xây dựng.
Những “nạn nhân” đáng thương nhất của tình trạng mất nước có lẽ là những bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa huyện. Bà con từ các xã, bản xa về đây trọ, điều trị bệnh, không thân quen ai nên muốn có một can 20 lít nước để nấu ăn chỉ còn cách đi mua với giá 3.000 đồng. Đối với đồng bào khó khăn thì một ngày bà con cũng không dám dùng quá 2 can cho việc nấu nướng. Các nhu cầu vệ sinh cá nhân khá được ưu tiên… ra suối. Vợ chồng anh Lò Văn Ẹn ở xã Nậm Sỏ ra đây điều trị đã được 5 ngày, dù bệnh thận của anh chưa mấy thuyên giảm nhưng anh vẫn muốn xin bác sĩ được điều trị ngoại trú phần vì về nhà tiết kiệm chi tiêu, phần vì ở đó nước nôi cũng thuận tiện chứ không phải bỏ ra 2.000 đồng để mua một bình 5 lít nước về nấu ăn như bây giờ.
Mất nước sinh hoạt chỉ có cánh lái buôn buôn bán thiết bị điện-nước là hời vì chưa lúc nào mặt hàng ống nước, máy bơm, các dụng cụ chứa nước bán đắt và chạy như bây giờ.
Trông chờ “dòng suối chết”
 |
Dòng "suối chết" nơi tập trung nhiều công trình thuỷ lợi, mạch sống của người dân thị trấn Tân Uyên.
|
Theo người dân cung cấp thì hiện tượng mất nước này là do đường ống nước dân sinh này lấy nước nhờ đập đầu nguồn do công ty Cổ phần trà Tân Uyên xây dựng. Vừa qua, Công ty tiến hành nạo vét và xây dựng lại đập đầu mối nên phải cắt nước phục vụ việc thi công. Tuy nhiên, làm việc với bà Dương Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Uyên, chúng tôi được biết, quá trình xây dựng và cải tạo đập đầu mối đã xong nhưng tại sao không có nước phục vụ người dân thì bà Dung không biết.
Theo chân cán bộ phụ trách đường nước này chúng tôi lên đầu nguồn nước. Anh cán bộ phụ trách (tên Huy) khá nhiệt tình dẫn chúng tôi đi và kể hết những biện pháp mà anh đã áp dụng để tăng lượng nước về cho bà con như cải tạo đường mương, máng đầu nguồn, cọ rửa bể chứa, vá bịt các điểm rò rỉ… nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Đường lên đầu nguồn, chúng tôi đi qua những quả đồi bị cháy rụi, trơ những thân, cành cây cháy chưa hết như những ngón tay lòng khòng, già nua chới với lên trời; cứ mỗi đận gió, lại cuốn cả đám tàn tro bụi mù mịt rắc khắp nơi. Dọc đường chúng tôi cũng gặp vài người nông dân đi tìm nước về cho đám ruộng đang khát của mình.
Quả đúng như lời bà Dung, đập đầu nguồn đã được xây xong, quá trình nạo vét kênh mương cũng đã kết thúc, trên công trường chỉ còn lại 2 công nhân thực hiện nốt vài việc lặt vặt để hoàn thiện công trình. Chúng tôi hỏi một người công nhân tên Hiền về tình trạng mất nước sinh hoạt. Anh này khẳng định đến nay việc xây dựng đã hoàn tất và nước đã được mở về đường ống như bình thường nhưng do lượng nước quá ít nên nước về các bể chứa, phân nhánh ra các hộ dân cũng rất ít. Thật vậy, nước về bể đầu nguồn của hệ thống cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ dân thị trấn chỉ đủ nghe róc rách chứ chẳng thể cuồn cuộn, ồn ào như những tháng trước đây. Dù đã đổ bê tông thành một con đập, ngăn đôi dòng suối nhưng nước gom lại, đổ về các ống dẫn cũng chẳng đáng là bao. Đứng từ xa nhìn xuống con suối chỉ thấy trắng ởn những đá tảng, đá hòn mà chẳng thấy… dấu hiệu của nước. Thở dài nhìn con suối giờ thảm hại như một con mương, anh Hiền nhẩm tính: Hiện nay dòng suối cạn này phải gánh đến mấy công trình thuỷ lợi. Người dân thì lấy nước về ruộng, các đơn vị thi công cầu đường thì ngăn dòng lấy nước sản xuất, một vài đường ống nước của các khu vực khác của thị trấn cũng đang tích cực cạnh tranh… Tất cả đang chờ vào ân huệ của dòng Nậm Chăng đang… chết.
Rừng lại cháy…
 |
Cán bộ trung tâm Y tế huyện xin nước.
|
Cùng với tình trạng chung của cả nước, Lai Châu cũng đang bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kéo dài mà người dân thị trấn Tân Uyên là bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Theo thống kê, đến nay Tân Uyên cũng là một trong những huyện có diện tích rừng bị thiệt hại do cháy nhiều nhất của tỉnh. Hàng trăm ha rừng trồng, rừng tái sinh và nhiều hơn thế rất nhiều là diện tích thảm thực vật đã ra tro sau những ngọn lửa dù vô tình hay hữu ý. Từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ, nhưng trong hàng chục lần đó mới chỉ có một đối tượng là Má A Chồng (sinh năm 1974 trú tại bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) bị phát giác là có hành vi đốt rừng vào ngày 15-3 vừa qua. Trong khi người dân ở nhiều nơi đang khốn đốn vì thiếu nước thì ở đâu đó vẫn còn có kẻ rắp tâm phá huỷ rừng bằng những hành động có thể gọi là tội ác.
Bài, ảnh: Khánh Kiên