Những cánh rừng trơ trụi vì bom đạn chiến tranh, những chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn dã man và cả những ánh mắt thất thần, sợ hãi của các em bé bị chiến tranh cướp đi người thân… trong bộ sưu tập ảnh theo chuyên đề: "Những lính Mỹ ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam trong khói lửa chiến tranh" của nhà báo Nhật Bản Ishikawa Bunyo tặng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh gây xúc động cho bất kỳ ai đến tham quan bảo tàng. Anthony John, một sinh viên người Mỹ, cho biết: "Tôi đã nghe nói về chiến tranh Việt Nam và đó là điều tôi quan tâm trong chuyến du lịch lần này. Hôm nay, được xem những bức ảnh, tôi thấy đất nước tôi đã làm những điều rất tồi tệ đối với đất nước Việt Nam. Tôi mong muốn nước Mỹ sẽ không bao giờ thực hiện những cuộc chiến tranh phi nghĩa nữa mà đóng góp bảo vệ hòa bình thế giới".

Nhà báo Ishikawa Bunyo (thứ nhất, hàng đầu) giới thiệu với du khách Nhật Bản về sự ra đời của những cuốn sách ảnh về chiến tranh Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Nhà báo Ishikawa Bunyo đã trao 152 bức ảnh chụp chiến trường Việt Nam và Việt Nam sau giải phóng tặng bảo tàng. Mỗi bức ảnh là một chứng nhân về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam...”.

Nhà báo Ishikawa Bunyo đến Việt Nam từ năm 1965 khi đang làm việc cho Hãng phim ảnh Hong Kong Production. Ngày ấy, ông đã đi cùng quân đội Mỹ để chụp những bức ảnh chiến tranh. Chính trong thời gian này, Ishikawa Bunyo đã hiểu rõ về sự tàn ác của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tay sai, càng thêm khâm phục tinh thần, sự anh dũng của lực lượng cách mạng.

Mỗi tấm hình là một ký ức, một câu chuyện không thể phai mờ trong tâm trí Ishikawa Bunyo, bởi lẽ, ông phải chứng kiến bao cái chết, cũng như sự đau đớn tận cùng của nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân. Trước khi bấm máy, trong luôn ông thầm vang hai tiếng: “Xin lỗi” và lời hứa sẽ phơi bày tội ác của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai trước nhân dân thế giới. Nhiều bức ảnh của ông đã được công bố trên Tuần báo Shukanshi của Nhật Bản và thông qua Hãng thông tấn AP, trên báo chí Mỹ. Trong năm 1967, ông phát hành “Tòng quân ký” và năm 1968 xuất bản tập sách ảnh. Những hình ảnh nhà báo Ishikawa Bunyo ghi lại trên chiến trường miền Nam Việt Nam là bằng chứng sống động trước nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, ủng hộ một đất nước, một dân tộc đang vượt mọi khó khăn, gian khổ đi đến hòa bình và hạnh phúc.

Ishikawa Bunyo chia sẻ: "Vào khoảng năm 1970-1971, khi đến Hà Nội và các thôn làng miền Bắc Việt Nam bị đế quốc Mỹ đánh bom, chứng kiến bộ đội và nhân dân chiến đấu giành độc lập theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tôi thật sự xúc động". Thời gian đó, nhà báo Ishikawa Bunyo đã chụp gần 100 bức ảnh với các chủ đề: "Chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam", "Vết tích chiến tranh", "Việt Nam sau chiến tranh" và đã được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: "Năm 2016, tại bảo tàng này, khi các bạn trong đoàn Nhật Bản hỏi tôi: "Điều gì đã giúp ông có thể tác nghiệp như vậy?", tôi trả lời rằng: Hãy sống theo đúng lương tâm và đạo đức nghề nghiệp”.

Nhà báo Ishikawa Bunyo tâm sự: "Niềm hạnh phúc lớn nhất của một nhà báo nói riêng và của người dân nói chung, đó là được chứng kiến sự phát triển của xã hội nơi mình ở". Ông kể về sự kiện ngày 12-12-1966, khi chứng kiến Đại đội lính Mỹ 25 ở Củ Chi tiến hành truy quét lực lượng cách mạng ở làng Lộc Hưng, xã Lộc Bình và tận mắt thấy một nông dân bị sát hại; còn bé Xô-con gái của người nông dân, khoảng 10 tuổi đã phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó. Ông đã chụp hình bé Xô cùng nỗi ám ảnh, bàng hoàng trong ánh mắt. Năm 1989, ông gặp lại Xô khi cô đã là mẹ của một con gái 2 tuổi. Rồi năm 2008, ông tiếp tục ghi lại được niềm hạnh phúc của Xô khi cô đã 52 tuổi và là mẹ của hai cô con gái. Đó là niềm vui của một phóng viên ảnh...

Hiện nay dù đã hơn 81 tuổi, nhưng Ishikawa Bunyo vẫn đề ra nhiều dự định bấm máy ở Việt Nam. Ông coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. 

Vừa qua, nhà báo Ishikawa Bunyo đã quay lại Việt Nam, ở lại hơn một tháng để chụp ảnh và thăm lại những địa điểm, con người ông đã gặp trong chiến tranh. Nhà báo Ishikawa Bunyo khẳng định: "Khi Việt Nam kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh vào năm 2020, tôi sẽ trở lại để tiếp tục ghi lại những sự đổi mới trên mảnh đất hình chữ S”.

VIỆT HÀ