Mấy năm rồi tôi mới trở lại thăm ông, vẫn ngôi nhà cũ nằm nép mình ven Quốc lộ 12, ngay đầu bản mang chính tên ông: Bản Sùng Chô. Vừa bước vào, tôi đã thấy ông đang lúi húi buộc đôi giày vải bộ đội bạc màu.
- Cháu chào bác Chô! Bác chuẩn bị đi đâu đấy, bác còn nhớ cháu không?
- Ô... nhà báo bộ đội đấy phải không? Lâu lắm rồi nhỉ, đi công tác à, vào nhà đi đã!
Thì ra ông đang chuẩn bị lên nương ngô sau nhà, cách đó hai triền núi để xem nếu trâu bò có vào phá thì đuổi chúng đi. Ở tuổi 75, ông già người Mông này vẫn giữ thói quen lâu nay là làm việc, làm việc và làm việc. Về nghỉ hưu cũng đã 16 năm rồi, nhưng đến huyện Phong Thổ hay thành phố Lai Châu bây giờ, hỏi bà con dân bản nhà "bác Chô", hầu như ai cũng biết. Họ biết đến ông với những tư chất đáng kính: Chịu thương chịu khó, sống hiền hòa, giản dị và vui vẻ với mọi người. Ngoài ra, ông còn là người nấu rượu ngô nổi tiếng nhất vùng này. Tuy vậy, cũng có người chưa biết, ông từng là Bí thư Huyện ủy Phong Thổ cái thời huyện này còn gồm cả huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu hiện nay.
Ông Sùng A Chô hồi tưởng về những năm tháng vận động đồng bào định canh định cư.
Ông tên là Sùng A Chô, người dân tộc Mông, sinh năm 1941 ở bản Tả Chải, xã Sùng Phài, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Năm 1963, sau khi đi bộ đội về, chàng thanh niên Sùng A Chô tham gia công tác ở xã, lần lượt làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã Sùng Phài đến năm 1968 thì chuyển lên huyện. Năm 1980, khi đang là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Kiểm tra Đảng huyện Phong Thổ, ông về thăm bản cũ, thấy cuộc sống bà con trên núi cao Tả Chải vất vả, khó khăn quá. Thời điểm đó, Nhà nước đang chủ trương tuyên truyền đưa người Mông xuống vùng thấp định cư để ổn định cuộc sống, nhưng bà con ở quê ông e ngại không xuống. Một phần vì mọi người sợ xuống dưới thấp không hợp thời tiết sẽ ốm đau bệnh tật, phần nữa lại lo các dân tộc khác... "bắt nạt"! Trước tình hình đó, vừa là cán bộ huyện, vừa là người con của dân bản, ông Sùng A Chô về bản ở hàng tháng trời để vận động bà con. Sau đó, ông gương mẫu đưa gia đình, họ hàng và một số anh em thân thiết của mình chuyển xuống vùng thấp ở trước. Sau một thời gian, thấy những người đi trước không ốm đau gì mà còn có điều kiện học hành, tiếp cận với văn minh nên bà con dân bản nghe lời ông, chuyển cả bản về nơi ở mới. Hơn 100 hộ dân ở Tả Chải đã xuống núi, về thung lũng Sùng Phài định cư. Năm 1985, dân bản đề nghị đặt tên bản mới, đồng chí Trịnh Long Biên, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) đã nói: “Vì anh Sùng A Chô là người đi đầu, có công mở bản, nên chúng ta đặt tên là bản Sùng Chô”.
35 năm sau ngày ông Sùng A Chô dẫn đồng bào xuống bản mới, bản Sùng Chô hôm nay đã phát triển trù phú, dân số tăng nhanh và tách ra làm 3 bản. Bản cũ tên Sùng Chô hiện vẫn còn hơn 100 hộ, với 100% hộ gia đình có ti vi, 98% hộ có xe gắn máy. Nhiều hộ còn mua được tủ lạnh, máy lọc nước, lắp đặt bình nóng lạnh phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Bà con hầu hết đã chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa, thực hiện thâm canh tăng vụ kết hợp đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt… Đồng thời, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đầu tư vốn mua các loại máy cày bừa, tuốt lúa, tẽ ngô, thái rau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp… Kinh tế phát triển, bà con quan tâm hơn đến việc học tập của con cháu, chăm sóc sức khỏe bản thân, xây dựng đời sống văn hóa. Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, bà con tự giác đưa con, cháu đi tiêm chủng mở rộng, thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, ngủ màn, chủ động phòng, chống các bệnh theo mùa…
Có được cuộc sống mới như ngày hôm nay, bà con nhân dân không thể nào quên người có công “mở bản” Sùng A Chô. Nhiều năm qua, ông Chô về nghỉ hưu, sống yên vui, hạnh phúc bên con cháu và xóm làng. Ông có tám người con (bốn trai, bốn gái). Trong đó, con cả Sùng Lử Páo đang là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường, con thứ Sùng A Phủ là Phó ban Dân vận tỉnh Lai Châu, con thứ ba Sùng A Lềnh đang là đại úy công an, công tác tại thành phố Lai Châu, con út Sùng A Nủ là Phó bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu… Chia tay tôi, ông cười thật mãn nguyện và nói: “Tôi sinh ra, lớn lên, lao động, chiến đấu và cống hiến cả cuộc đời cho miền “đất gió” Phong Thổ. Cả cuộc đời tôi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, đến bây giờ tôi lại tự hào vì các con, cháu đang thay tôi tiếp tục sự nghiệp đó, một sự nghiệp vô cùng vẻ vang”.
Bài và ảnh: TRƯỜNG GIANG