QĐND - Chúng tôi phải dùng đến hai từ “ngơ ngác”, bởi tai họa ập đến quá bất ngờ đối với làng chài nhỏ bé nằm bên chân sóng này. 8 giờ sáng qua (15-11), chúng tôi có mặt ở làng chài, gương mặt người dân ở đây vẫn còn ngơ ngác, thất thần như không thể tin tai họa đến nhanh như vậy…

Tan hoang xóm chài

Lội mưa đi trong đêm, sáng sớm 15-11 nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại miền Trung-Tây Nguyên có mặt tại Ban CHQS huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Thượng tá Nguyễn Ngọc Hóa, Chính trị viên Ban CHQS huyện đón chúng tôi, khuôn mặt anh trĩu nặng ưu tư và nói vội “Bộ đội đã xuống dân ngay từ chiều qua, tình hình khá nguy ngập, mưa lớn nữa không khéo làng chài bị “xóa sổ” mất…”.

Bộ đội đang đóng cát để gia cố móng nhà cho nhân dân.

 

Chúng tôi lên xe về ngay Bình Hải. Tuyến đường nhựa trong khu kinh tế Dung Quất phẳng lỳ, xe đang bon bon phải dừng vội, tấp vào gò cát ven biển. Trước mắt chúng tôi là đoạn sạt lở dài gần 10 mét, cắt đứt con đường duy nhất về thôn Phước Thiện. Chúng tôi rời xe xuống mép nước đi về thôn Phước Thiện và từ xa đã nhận ngay ở chân sóng có hàng trăm người đang hối hả xúc đất đóng vào bao. Người khiêng, người vác, người dùng cả xe hon-đa chở từng bao cát vào làng.

Càng đến gần, khung cảnh tang hoang của làng chài Phước Thiện càng rõ dần. Những cây bàng có đường kính chừng 40cm đổ rạp trên nền đất, rễ chùm bị nước bào trắng ởn. Nhà sập, nhà nghiêng như vừa qua một trận bom. Những khuôn mặt người dân như héo hon. Ông Nguyễn Đình Long, tay chân lấm lem bùn đất, mặt thẫn thờ, giọng như khóc: “Lũ nhanh quá, gia đình tôi không kịp trở tay. Thấy nhà nghiêng dần, tôi chỉ kịp hô “chạy”, cả nhà vừa thoát ra khỏi cửa thì căn nhà đổ sập, nước tràn vào cuốn đi tất cả đồ đạc. Vợ chồng dành dụm mấy năm trời mua được chiếc xe gắn máy cũng bị trôi ra biển!”.

Chị Nguyễn Thị Vĩnh nước mắt lưng tròng: “Mấy chục năm nay chưa thấy khi mô thiên tai khủng khiếp như rứa. Hai đứa con em đi học về tới ngõ thấy nước chảy ồ ồ, vội thả xe đạp chạy thoát thân. Trong cái rủi cũng có cái may, tuy đồ đoàn trôi sạch, nhưng còn con, nếu không thì em chẳng thiết sống nữa!”. Bà Dương Thị Tin đầu quấn băng trắng bàng hoàng: “Gia đình vừa ăn cơm xong, chưa kịp nghỉ thì nghe tiếng: Rầm! Một mảng tường đổ ập lên người, tôi thấy đầu óc mình choáng váng. Tỉnh lại nhà cửa không còn nữa, đồ đạc trôi hết, bây giờ tôi biết lấy gì mà sống đây!”...

Làng Phước Thiện có ba thôn, đều nằm sát mép biển. Năm 2009, trận bão số 11 qua đây đã tàn phá ngôi làng này hết sức nặng nề. Vừa hồi sinh, nay lại gặp tai họa ập đến, khó khăn lại tiếp tục đè nặng trên đôi vai người dân nghèo vùng biển.

Dốc sức giúp dân

Trung tá Nguyễn Văn Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng 288 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi), đang chỉ huy bộ đội giúp dân cho biết: “Cả ngày 14-11, thấy mưa to, chúng tôi cử 15 cán bộ, chiến sĩ tập trung xuống các xóm giúp nhân dân di dời người và tài sản. Vừa hoàn thành việc di dời 14 hộ gia đình có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn thì nhận được tin báo, ở xóm 3 nước lũ đã cuốn trôi con đường nằm giữa hai dãy nhà, làm sập 8 ngôi nhà. Tôi cùng anh em đội mưa chạy theo đường biển đến xóm 3. Con đường dài gần trăm mét đã biến thành dòng suối, nước chảy cuồn cuộn, kéo theo rều rác, xoong, nồi…Những ngôi nhà nằm sát đường đổ sập, chỉ trong chốc lát bị lũ cuốn trôi. Những nhà chưa đổ thì tường nứt, xiêu nghiêng ngả. Rất may là lũ xảy ra vào buổi trưa, nếu không thì cả làng chài này đại tang…”.

Những ngôi nhà còn lại ở xóm 3 làng chài Phước Thiện.

 

Sáng qua trời đã bớt mưa, trên bãi biển trước làng hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, Ban CHQS huyện Bình Sơn và Bộ đội biên phòng, dân quân cơ động của xã Bình Hải, thanh niên xung kích của các thôn "chạy đua" với thời gian nỗ lực đóng cát vào bao để “hàn khẩu” tuyến đường bị lũ phá hỏng. Trung úy Nguyễn Đức Trung, Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng 288, vừa cắt sốt, nhưng vẫn bám hiện trường chỉ huy bộ đội. Binh nhất Nguyễn Văn Tuyên chân dẫm phải mảnh chai vẫn nhanh bước chân vác từng bao cát chạy băng băng từ bãi biển vào làng. Ban CHQS huyện Bình Sơn phân công Trung tá Huỳnh Đông, Phó chỉ huy trưởng động viên trực tiếp chỉ huy bộ đội và dân quân nỗ lực giúp nhân dân gia cố móng nhà bị nước xói lở. Đại tá Tạ Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh vừa xong cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp phòng chống lũ lụt, đã xuống ngay hiện trường kiểm tra và điện thoại cho các đơn vị tăng cường lực lượng và phương tiện xuống nhanh với đồng bào vùng bị nạn. Nghe tin bà con Bình Hải gặp nạn, Đoàn B07, Quân khu 5, đóng quân ở huyện Ba Tơ, đã cử cán bộ xuống ngay hiện trường làm việc với địa phương để đưa lực lượng xuống giúp dân…

Trong lúc chúng tôi ngồi viết bài này, các lực lượng vẫn đang tiếp tục trần mình trong mưa, trắng đêm, chạy đua với thời gian kiên quyết giữ làng, giữ nhà cho dân.

Phải quy hoạch lại

Đó là ý kiến của đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngọc Thành sau khi tai họa bất ngờ ập xuống làng chài Phước Thiện. Theo đồng chí Thành, do nhân dân xây dựng nhà ở không theo quy hoạch, nhà xây chồng lên cống thoát nước, nhà nào cũng có tường bao, vô hình đã tạo ra bức tường chắn ngăn nước, nước bị dồn ứ từ chục ngày nay, gặp trận mưa lớn, từ trên cao đổ xuống với áp lực lớn làm đổ tường bao, tạo ra dòng chảy lớn, cuốn trôi tất cả… Vì vậy dứt khoát phải quy hoạch lại việc xây dựng nhà cửa của nhân dân, đồng thời xây dựng hệ thống cống thoát nước, có như vậy mới không bị lặp lại tai họa tương tự, bởi lượng mưa trong những ngày qua chưa phải đã lớn, mực nước các sông vẫn chưa đến báo động 3. Nếu mưa lớn kéo dài, không chỉ ở thôn 3 mà các thôn khác cũng sẽ gặp tai nạn tương tự.

Ngay sáng qua, huyện Bình Sơn đã khẩn trương đưa hàng về cứu trợ nhân dân vùng bị nạn. Trước mắt, cấp cho mỗi gia đình bị đổ nhà một tấm bạt để trú tạm, cấp cho mỗi nhân khẩu 15kg gạo để chống đói trước mắt. UBND xã hỗ trợ mỗi gia đình 200 nghìn đồng để mua thực phẩm. Dốc sức giúp dân giữ làng, giữ nhà đang là mệnh lệnh, là trách nhiệm của các lực lượng vũ trang.

Bài và ảnh: Trung Hội - Tiến Dũng