Đó chính là suy nghĩ luôn canh cánh trong lòng Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trọng Toàn, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội. Viện Pháp y Quân đội là nơi đầu tiên trên cả nước nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật ADN vào các mục đích khoa học, pháp luật và đời sống. Không dừng ở đó, hiện PGS.TS Toàn và các cộng sự đang nghiên cứu để có thể khôi phục mặt người từ xương sọ. Nếu đề tài này thành công sẽ là một bước tiến trong việc xác định nguồn gốc của tử thi, hài cốt, tiết kiệm được chi phí, công sức.
Sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp
- Kỹ thuật khôi phục mặt người từ xương sọ có ưu điểm gì nổi bật, thưa đồng chí? - Ngay qua tên của đề tài là “Ứng dụng công nghệ thông tin khôi phục diện mạo khuôn mặt dựa trên hình thái vùng sọ mặt’’ cũng giúp ta hình dung phần nào về nội dung nghiên cứu này. Đối với việc xác định danh tính, nguồn gốc của mỗi tử thi, hài cốt thì việc khôi phục gương mặt là vô cùng quan trọng. Trong các thiên tai hay các vụ tai nạn giao thông có nhiều người chết, các tử thi thường bị biến dạng, rất khó xác định. Nếu như những tử thi ấy còn hộp sọ tương đối nguyên vẹn, nghiên cứu nói trên của chúng tôi sẽ giúp khôi phục (trên máy vi tính) gương mặt của nạn nhân, nhờ đó có thể nhận dạng được tử thi.
- Độ chính xác của phương pháp này ra sao, thưa PGS.TS?
- Muốn thực hiện được phương pháp này phải có hộp sọ tương đối hoàn chỉnh. Hộp sọ càng hoàn chỉnh, độ chính xác càng cao.
- Với những hộp sọ không còn nguyên vẹn thì sao, thưa đồng chí?
- Nếu không hoàn chỉnh thì khó xác định, độ chính xác thấp. Lúc ấy, phải dùng phương pháp ADN để xác định. Tất nhiên nếu xác định bằng ADN thì chi phí sẽ rất cao, hơn nữa lại đòi hỏi phải có mẫu máu, tóc… của người thân để đối chiếu ADN. Trong một số trường hợp không có mẫu sinh phẩm của người thân thì không thể xác định danh tính của hài cốt, tử thi.
- Làm bằng ADN sẽ cho kết quả chính xác hơn?
- Đúng. Nhưng chi phí cao sẽ là một trở ngại không nhỏ. Số tiền cần cho một ca xác định ADN trên xương tốn hàng chục triệu đồng. Thời gian để đưa ra kết luận thường kéo dài hằng tháng trời. Trong khi nếu đề tài xác định mặt từ hộp sọ thành công, có thể chỉ mất khoảng 200.000 đồng/ca, rẻ hơn hàng trăm lần. Thời gian để đưa ra kết luận từ phương pháp này có khi chỉ cần 30 phút.
Lấy ví dụ, khoảng tháng 3 vừa rồi tại hồ Văn Chương (Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết bị mất đầu. Nạn nhân được xác định là đã chết khoảng 22 ngày. Mấy ngày sau, người ta tìm thấy đầu tử thi ở gần vị trí tìm được xác, nhưng đầu đã bị rữa, không xác định được danh tính. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã xác định đó là đầu của nạn nhân. Nhưng mẹ của nạn nhân vẫn nghi ngờ. Bà cho rằng, theo nhận định của một số người có kinh nghiệm thì chiếc đầu này có thể là của một người đã chết khoảng 3 năm chứ không phải 22 ngày. Để có được thông tin chắc chắn và làm sáng tỏ mọi nghi vấn, bà đã yêu cầu giám định lại hộp sọ và xương hàm dưới của nạn nhân ở Viện Pháp y Quân đội. Chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm ADN, cũng phải mất cả tháng. Cuối cùng, chúng tôi xác định đó chính là đầu của nạn nhân.
Trong vụ việc này, nếu phương pháp khôi phục gương mặt từ hộp sọ được áp dụng thì thời gian, chi phí, công sức sẽ giảm rất nhiều. Hay đối với những nạn nhân của cơn bão Chanchu, hoàn toàn có thể phục hồi được khuôn mặt nhờ các thuật toán vi tính, từ đó dễ dàng, nhanh chóng nhận diện nạn nhân so với việc phải làm bằng ADN. Bởi có 16 tử thi cần được nhận diện, nhưng có tới hơn 200 gia đình mất người thân. Vì thế, chúng tôi phải lấy mẫu ADN của 16 ngư dân này cùng với việc lấy mẫu ADN của hơn 200 gia đình mất người thân. Khối lượng công việc rất lớn, thời gian tiến hành buộc phải kéo dài, nghĩa là kéo dài nỗi đau của những gia đình mất người thân.
Vì thế, tùy từng trường hợp mà chúng tôi sẽ lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Có thể kết hợp cả phương pháp khớp sọ vào mặt qua ảnh chân dung để bổ trợ việc xác định. Tạo dựng mặt từ sọ còn có thể giúp tái hiện lại khuôn mặt của các nhân vật trong lịch sử nếu các nhà khảo cổ khai quật được những hộp sọ còn tương đối nguyên vẹn. Đây sẽ là một điều hết sức thú vị.
Có đề tài nhưng kinh phí chưa được duyệt
- Bao giờ có thể đưa phương pháp khôi phục mặt từ xương sọ nói trên vào thực tiễn, thưa đồng chí?
- Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình xây dựng đề tài. Đến cuối năm mới đưa ra để các cơ quan có trách nhiệm thẩm định. Theo đúng kế hoạch thì việc nghiên cứu cần tiến hành trong 2 năm 2008-2009. Chúng ta cũng cần phải tham khảo cách làm của các nước trên thế giới.
- Tại sao chúng ta không mua bản quyền các công trình nghiên cứu tương tự đã có sẵn của nước ngoài để áp dụng luôn?
- Điều này là không thể. Vì thứ nhất các nước cũng không sẵn lòng cung cấp những chương trình nghiên cứu mới của họ. Thứ hai, chi phí sẽ rất lớn. Thứ ba, ta sẽ phải phụ thuộc vào công nghệ của họ và các công trình đó khó áp dụng vào nước ta bởi đặc điểm nhân chủng con người Việt Nam khác của châu Mỹ, châu Âu... Chúng ta phải nghiên cứu áp dụng các đặc điểm con người Việt Nam thì kết quả mới chính xác. Trong quá khứ việc nghiên cứu sọ của người Đông Dương đã được bắt đầu từ năm 1938. Đến năm 1944, cố giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã có công trình nghiên cứu sọ người Việt Nam. Từ đó đến nay tiếp tục có một số công trình nghiên cứu về sọ và mặt của người Việt Nam nhưng những công trình này thường nghiên cứu riêng rẽ sọ và mặt. Lần này, chúng tôi sẽ kết hợp hai yếu tố trên để có thể áp dụng được vào việc nhận dạng. Hiện nay với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, việc nghiên cứu sẽ chính xác hơn. Máy CT có thể đo được độ dày phần mềm trên mặt, đo các kích thước của xương sọ, các ảnh kỹ thuật số sẽ cho chúng tôi thu thập các dữ liệu về hình thái mặt như: khuôn mặt, các đặc điểm về mũi, mắt, miệng… trên cơ sở đó xây dựng được mối tương quan giữa sọ và mặt trên cùng một cá thể, làm tiền đề cho ứng dụng công nghệ thông tin trong dựng lại diện mạo của mặt nếu biết hình thái của xương sọ.
- Chi phí dự tính cần phải bỏ ra cho đề tài phục hồi mặt từ sọ là bao nhiêu?
- Khoảng 1,8 tỷ đồng trong thời gian 2 năm. Thời gian vừa qua chúng tôi nhận được rất nhiều sự hợp tác và chi viện của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Lần này cũng thế, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam rất nhiệt tình và sẵn sàng hợp tác .
Nên có quỹ hỗ trợ công việc xác định danh tính liệt sĩ, người bị nạn do thảm họa
- Đồng chí có cho biết số tiền cho mỗi ca xác định ADN là hàng chục triệu đồng. Nhưng với những gia đình liệt sĩ nghèo thì đó quả là một gánh nặng quá lớn.
- Đúng vậy. Vì thế trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã dùng tiền của đề tài để hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ, chính sách, gia đình nghèo, gia đình của nạn nhân thảm họa. Nhiều gia đình đã được miễn phí hoàn toàn. Ví dụ gia đình các nạn nhân của cơn bão Chanchu được xác định ADN miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay đề tài nghiên cứu ADN đã thành công, tiền cho đề tài đã hết, vì thế chúng tôi chưa biết tìm đâu ra nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các ca cần xác định ADN.
- Điều này đặt ra vấn đề: cần phải có quỹ để hỗ trợ xác định danh tính cho liệt sĩ, nạn nhân của thảm họa. Chúng ta nên huy động từ ngân sách Chính phủ hay kêu gọi từ thiện, “đền ơn đáp nghĩa” từ xã hội?
- Đối với tôi, trong việc trên, nguồn tiền từ đâu cũng đáng quý. Mục đích là cố gắng từng bước giảm, tiến tới miễn phí cho các công đoạn của việc xác định danh tính liệt sĩ, các nạn nhân của thảm họa, các đối tượng chính sách… Nếu làm được điều này sẽ tôn thêm tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ ta, xã hội ta.
HỒ QUANG PHƯƠNG (thực hiện)