Ngày ấy, những chàng trai “xếp bút nghiên lên đường cứu nước” như bố tôi nhiều lắm. Có rất nhiều người đã viết cả huyết thư để được ra trận. Cũng như bao người lính thời ấy, bố tôi đã hòa mình vào đoàn quân ra trận tuyến với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
Sau những đêm hành quân không ngủ trong rừng sâu và trận chiến đấu đầu tiên mà bố tôi “nếm trải”, ông viết thư về nhà cho mẹ tôi: “Em ơi, đừng buồn. Anh đi rồi anh sẽ về với em trong ngày mùa xuân hòa bình, thống nhất. Nếu anh không về thì đất nước ta nhất định sẽ có được hòa bình”. Lá thư ấy đến giờ vẫn còn vẹn nguyên và nó được cất giữ lại như một báu vật của gia đình. Mẹ tôi bảo: “Bố con là một trong nhiều thanh niên lúc đó đã viết thư bằng máu để được đến chiến trường. Giữ lá thư này để các con hiểu rằng, thời đại nào, Tổ quốc cũng cần những con người quên mình, biết sống đẹp, sẵn sàng xả thân vì nước”. Mẹ tôi ấp lá thư lên ngực, nước mắt trào ra, mắt nhìn lên di ảnh của bố đặt giữa bàn thờ.
Vững tay súng canh nhà giàn trên biển.
Trước khi vào quân đội, tôi đã từng hỏi mẹ: “Sao bố không tiếp tục học mà lại chọn ra chiến trường chiến đấu?”. Mẹ tôi đã trả lời giản dị: “Không ai muốn chọn chiến trường con ạ. Nhưng nếu bố và bao thanh niên khác không ra trận tuyến thì bầu trời kia không phải là của con, và cũng chẳng bao giờ có mùa xuân độc lập như hôm nay. Cuộc sống phồn thịnh bây giờ được đổi bằng sự hy sinh của những người lính Cụ Hồ ngày trước”. Bố hy sinh, khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi kể lại, bố hy sinh tại chiến trường Đ. Ngày bố tôi đi bộ đội, mẹ tiễn chân nghẹn ngào rơi lệ. Chiến trường khốc liệt, đâu biết rằng, đó là cuộc chia tay mãi mãi.
2. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi vào bộ đội. Nhớ lời bố dặn trong thư, tôi thi vào trường quân đội. Sau 5 năm luyện rèn, đèn sách, tôi trở thành sĩ quan và xung phong ra Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa ngàn khơi sóng gió, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, nỗi nhớ đất liền luôn gào xé trong lòng. 11 năm ròng ở Nhà giàn DK1, tôi chẳng nhớ bao đêm không ngủ, cùng đồng đội căng mắt theo dõi mục tiêu lạ xuất hiện trên biển, bao lần xuống tàu tránh bão, nhưng mỗi lần một đồng đội nằm lại ngàn khơi thì không thể nào quên. Nghĩ tưởng thời bình không có mất mát, hy sinh...
Đón Xuân Bính Thân, những người lính trên mọi miền Tổ quốc, dù đóng quân ở thành phố, đồng bằng hay rừng sâu, núi cao; dù đang bồng súng đứng gác nơi hải đảo xa xôi hay vững tay lái lênh đênh trên những con tàu, đều thấu hiểu niềm vinh dự lớn lao. Đó là được canh thức mùa xuân đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, để nhân dân cả nước đón Tết yên bình.
Bài và ảnh: TUẤN CƯỜNG