Năm nay, tôi đã gần 70 tuổi, nhưng ký ức về trận chiến đấu đó sẽ mãi không thể xóa nhòa. Mùa xuân năm 1970, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ LLVT, nhân dân Khu 8 kháng chiến mở rộng các vùng giải phóng, Tiểu đoàn 7 và các đại đội trực thuộc Trung đoàn 88, Khu 8 (nay là Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 302, Quân khu 7) hầu hết là cán bộ, chiến sĩ trẻ từ miền Bắc vừa hành quân vào, có nhiệm vụ cơ động xuống Khu 8 chiến đấu. Khi đó, tôi là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88. Tháng10-1969, chúng tôi đã tổ chức đi trước để chuẩn bị chiến trường. Chiến trường Khu 8 rất khác so với chiến trường miền Đông Nam Bộ, không thể phân tán đội hình mà buộc phải hành quân tập trung, do du kích tỉnh Long An dẫn đường. Đúng đêm 30 Tết năm 1970, Tiểu đoàn 7 và các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 88 bắt đầu hành quân từ căn cứ ở biên giới Cam-pu-chia thuộc địa bàn giáp giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An xuống miền Tây để chuẩn bị chiến đấu.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội và người dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An trong lần gặp mặt Tết Bính Thân 2016. Ảnh: DUY HIỂN
Vừa đặt chân lên vùng đất Khu 8, tâm trạng chúng tôi rộn lên niềm vui khó tả vì được đến với đồng bào Khu 8 giàu lòng yêu nước. Đêm 30, trời tối đen như mực. Để khỏi lạc và bảo đảm đội hình hành quân, chúng tôi phải bám sát vào nhau. Thế nhưng vì địa hình nhiều kênh, rạch, bưng biền, đội hình hành quân của đơn vị có lúc kéo dài cả cây số. Đêm tối, nhưng tôi vẫn quan sát được dọc hai bên đường hành quân. Những cánh đồng rộng mênh mông, nhân dân đã thu hoạch xong lúa, chỉ còn trơ gốc rạ và lác đác vài cụm trâm bầu lưa thưa, gió thổi xào xạc. Tuy là mùa khô nhưng nhiều cánh đồng vẫn ngập sình lầy khiến việc xóa dấu vết hết sức khó khăn, khó bảo đảm yếu tố bí mật.
Hành quân khó khăn gian khổ trên địa hình mới lạ, lại phải đối phó với quân địch có phương tiện, vũ khí hiện đại là một thách thức lớn. Máy bay L19 của địch bay quần đảo trinh sát và phát hiện đội hình hành quân của đơn vị tôi di chuyển từ biên giới Cam-pu-chia xuống vùng Đồng Tháp Mười. Mờ sáng Mồng Một Tết, khi đơn vị hành quân đến kênh 62, thuộc địa bàn xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thì bất ngờ giáp chiến với Liên đoàn Biệt động 31 của địch ở biên giới và một bộ phận của Sư đoàn 7 ngụy quân. Trận đối đầu bất lợi cho ta, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và các đại đội trực thuộc Trung đoàn 88 đã kiên cường chiến đấu. Cuộc chiến không cân sức. Địch huy động pháo binh, xe cơ giới, không quân mạnh yểm trợ kết hợp đổ bộ bằng trực thăng nên hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã anh dũng hy sinh. Mồng Hai, Mồng Ba Tết, nhân dân xã Vĩnh Đại đã giúp chúng tôi tìm kiếm thi hài liệt sĩ, cứu chữa thương binh. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh các bà má Nam Bộ vừa bế từng thi hài các liệt sĩ bọc lại bằng ni-lông vừa khóc: “Các con ở miền Bắc vào giải phóng quê hương của ba má. Hôm nay là Tết mà các con không được hưởng mùa xuân. Các con đã anh dũng hy sinh. Ba má ở đây sẽ chăm lo phần mộ các con cho đến ngày hòa bình thống nhất để gia đình đưa các con về quê hương”. Khóe mắt tôi cay xè, lòng căm thù giặc trào dâng. Sau trận đánh bi hùng ấy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 đã phối hợp với LLVT Khu 8 và nhân dân chiến đấu, giành chiến thắng trên kênh Bùi, thuộc xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh và nhiều chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hàng chục năm qua, kể từ ngày các anh ngã xuống, hằng năm nhân dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng đều tổ chức Lễ tưởng niệm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88 hy sinh trong trận đánh ngày Mồng Một Tết năm 1970, tại kênh 62, dưới sự chủ trì của cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Đại. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình ông Bảy Quảng đã hiến hơn 5.000m2 đất để địa phương xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Tiểu đoàn 7. Những năm từ 1990 đến 2000, Quân khu 7 phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Tân Hưng tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ của huyện.
Từ ngày giải phóng đến nay, nhiều thân nhân các liệt sĩ từ miền Bắc vào miền Nam tìm hài cốt liệt sĩ. Tôi đã nhiều lần tình nguyện dẫn đường và luôn được nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ. Ai cũng cảm động về sự tri ân, tấm lòng đùm bọc, che chở của nhân dân huyện Tân Hưng. Những năm qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hành quân về các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, tỉnh Long An thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương, đồng thời thắp nén hương thơm, đặt vòng hoa viếng các anh. Nhìn những cánh hoa lung linh trước gió khi Tết đến, Xuân về, tôi lại nghe tim mình nhói đau và thầm cầu nguyện: "Đồng đội ơi, xin các anh yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh của các anh để mùa xuân Tổ quốc mãi trường tồn".
Thiếu tướng TRẦN NGỌC THỔ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh