Diện tích đất nông nghiệp ít ỏi.Ảnh: Internet

Quả là bất thường khi có tới 3 nhà máy sản xuất xi măng cùng nằm trên địa bàn một thôn. Vậy mà, gần đây tỉnh lại đồng ý cho xây dựng tiếp Nhà máy xi măng Xuân Thành”. Đó là lời bộc bạch của ông Đinh Xuân Hải, thay mặt cho hàng nghìn nhân khẩu của thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam khi trao đổi với chúng tôi.

Nhà máy "đổ bộ" về làng

Thôn Bồng Lạng diện tích 1,1km2, với hơn 800 nóc nhà và hơn 3.000 nhân khẩu. Từ năm 2003 đến nay, liên tiếp các dự án xây dựng nhà máy xi măng được triển khai tại mảnh đất thuần nông này, đã thu hồi khoảng 70% diện tích đất canh tác. Đầu tiên là Nhà máy xi măng Hoàng Long, rồi Nhà máy xi măng Thanh Liêm, Nhà máy xi măng Tràng An, thêm nữa là Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và hóa chất. Gần đây, người dân thôn Bồng Lạng lại ngỡ ngàng khi được thông báo: Tiếp tục bàn giao đất cho Công ty TNHH Xuân Thành để xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành, diện tích khoảng 65ha.

Tại tờ trình số 03/CTXT/KHĐT (ngày 23-2-2008) của Công ty TNHH Xuân Thành và tờ trình số 152/TTr-SXD (ngày 25-2-2008) của Sở Xây dựng Hà Nam và phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam gửi các bộ, ngành chức năng xin cấp phép xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành, chúng tôi thấy có những điểm chưa phù hợp với thực tế và quy định hiện hành. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 16-5-2005, trong danh mục các dự án đầu tư của quy hoạch không có dự án nhà máy xi măng trên. Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, chủ yếu tập trung chuyển các nhà máy xi măng công nghệ lò đứng sang lò quay, hạn chế đầu tư, phát triển các nhà máy xi măng thuộc nhóm B, trong khi Nhà máy xi măng Xuân Thành được xác định thuộc dự án nhóm B.

Theo người dân địa phương, trong Thông báo số 11 ngày 27-3-2008 của UBND tỉnh Hà Nam về địa điểm xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành đã xác định sai vị trí xây dựng nhà máy, làm sai lệch bản chất, mật độ của việc quy hoạch các nhà máy xi măng trên địa bàn. Cụ thể, theo thông báo số 11, vị trí xây dựng nhà máy, phía Bắc giáp núi đá; phía Nam giáp đường ĐT 495B và núi đá; phía Đông giáp đường phân lũ sông Đáy và khu vực cảng Nhà máy xi măng Hoàng Long; phía Tây giáp núi đá.

Nếu theo các tờ trình và thông báo trên thì địa điểm xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành nằm xa khu vực dân cư. Nhưng thực tế thì phía Nam của công trình này nằm sát đường ĐT 495B, nơi có hơn 800 hộ dân thôn Bồng Lạng sinh sống; sát chợ Bồng Lạng ngày nào cũng tấp nập người mua, bán và sát trụ sở HTX, nhà trẻ, nhà mẫu giáo của thôn Bồng Lạng.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân

Trong văn bản số 221/TTr-TH ngày 12-5-2008 của Thanh tra Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Hà Nam và phúc đáp kiến nghị của người dân thôn Bồng Lạng, do ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng ký nêu rõ: “… Về việc lấy đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy xi măng dẫn đến nông dân bị thất nghiệp mà không được tuyển dụng vào làm việc, cuộc sống ngày càng khốn khó hơn. Hiện nay lại có chủ trương lấy đất nông nghiệp xây dựng thêm Nhà máy xi măng Xuân Thành, được đặt ngay tại đầu làng sẽ không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân sống tại nơi đây. Căn cứ Luật Khiếu nại tố cáo, Bộ Xây dựng chuyển đơn kiến nghị của công dân về UBND tỉnh Hà Nam nghiên cứu giải quyết nêu trong đơn theo thẩm quyền, đúng pháp luật, tránh khiếu kiện vượt cấp kéo dài…”.

Trong khi việc giải quyết kiến nghị của người dân theo văn bản đề nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng chưa được thực hiện, thì UBND tỉnh vẫn cử cán bộ về huyện Thanh Liêm, xã Thanh Nghị để họp bàn, phân công nhiệm vụ, cắm mốc giới... triển khai xây dựng nhà máy. Việc làm này không được sự ủng hộ của người dân thôn Bồng Lạng, vì từ năm 2003 đến nay, người dân nơi đây đã 4 lần phải bàn giao đất cho 3 nhà máy xi măng, một nhà máy chế biến thức ăn gia súc và công trình đường phân lũ. Toàn thôn đã mất hơn 70% diện tích đất canh tác, các HTX khai thác đá trên địa bàn cũng không còn được gia hạn cấp phép khai thác, nếu tiếp tục bàn giao đất cho Nhà máy xi măng Xuân Thành, thì mấy trăm lao động nông nghiệp của thôn sẽ làm gì để sinh sống? Trong khi các nhà máy hứa sẽ tuyển lao động là người địa phương, nhưng chỉ lấy ở tuổi từ 18 đến 30 và đến nay cũng mới chỉ có một số lao động là con em cán bộ xã được tuyển vào làm hợp đồng tại một nhà máy xi măng trên địa bàn.

Tại Quyết định số 108/2005/QĐTTg (ngày 16-5-2005) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010. Gần đây, tại văn bản số 1054/BXH-VLXD (ngày 4-6-2008) của Bộ Xây dựng gửi 14 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh không đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng từ nay đến năm 2015, nhằm phát huy hết công suất thiết kế các dự án xi măng đang triển khai đầu tư và nâng cao tính hiệu quả. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần xem xét lại việc triển khai dự án xây dựng Nhà máy xi măng Xuân Thành tại thôn Bồng Lạng.

Nhiều người dân địa phương cho rằng, việc phát triển công nghiệp nói chung, xây dựng nhà máy xi măng nói riêng tại địa bàn nên đặt tại các khu vực sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đất đai cằn cỗi, xa khu dân cư, mà vẫn có nguồn đá vôi dồi dào, như tại khu vực Bến Rửa, La Phù. Diện tích đất nông nghiệp là đồng bãi 3 - 4 vụ màu mỡ ít ỏi còn lại của thôn Bồng Lạng cần để lại cho những nhân khẩu đã quá tuổi lao động (khó chuyển nghề và không thể tham gia các công việc nặng nhọc khác) canh tác, có công ăn việc làm, bảo đảm đời sống.

Nhà nước và các doanh nghiệp được chuyển quyền sử dụng đất cần có cơ chế cụ thể, phù hợp, hỗ trợ, bồi thường, tạo công ăn việc làm cho người dân làm nông nghiệp bị thu hồi đất. Thay vì hỗ trợ một lần (với mức bồi thường hiện nay nhìn chung còn thấp) nên chuyển đổi số đất bị thu hồi của người dân thành tỷ lệ vốn góp để họ được các nhà máy chia lợi nhuận hằng năm. Làm được như vậy, sẽ giúp người dân Bồng Lạng nói riêng, các vùng quê bị thu hồi đất nói chung vẫn bảo đảm được mức sống tối thiểu, “niêu cơm” của gia đình không "vơi" do hết đất canh tác. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền và các doanh nghiệp cần có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời bảo vệ môi trường, môi sinh cho người dân ở vùng đất hẹp, lại “dày đặc” nhà máy xi măng này.

MINH QUỐC

.