QĐND Online- Theo ước tính của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường”, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm từ 1,5-3% GDP.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang đe dọa không chỉ đến toàn xã hội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn quá ít so với tốc độ gia tăng ô nhiễm hiện nay.
Một điều dễ nhận thấy là, hầu như các hoạt động ngăn chặn ô nhiễm môi trường thường chỉ diễn ra nhỏ lẻ, rộn ràng thời gian đầu rồi sau đó chìm vào “quên lãng”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả hoạt động bảo vệ nhiều nhưng hiệu quả lại chẳng bao nhiêu.
Mỗi năm, tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội cũng có hàng chục chiến dịch về làm sạch môi trường do các cơ quan nhà nước hay các tổ chức tình nguyện tổ chức như: Giờ Trái đất, Ngày chủ nhật không túi ni lông, Ngày Quốc tế phòng, chống giảm nhẹ thiên tai,… Những chiến dịch này được tổ chức quy mô, thu hút được đông đảo nhân dân thành phố tham gia. Tuy nhiên, ngay sau khi chiến dịch kết thúc thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân dường như cũng kết thúc theo. Bộ mặt Thủ đô sau vài ngày “sáng bóng” lại trở lại y nguyên như cũ. Công sức của các tình nguyện viên tuyên truyền trong suốt chiến dịch coi như đổ xuống sông, xuống biển.
 |
Các chiến dịch tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên và hiệu quả hơn nữa.
|
Những chương trình, dự án bảo vệ môi trường của các tổ chức trong nước hay quốc tế khi triển khai tại Việt Nam cũng vấp phải không ít những khó khăn. Khi đi vào hoạt động dù đã đem lại những hiệu quả tích cực, nhiều chương trình, dự án còn góp phần thay đổi được một phần nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường nhưng một điều đáng buồn là, khi chương trình, dự án kết thúc, hoạt động bảo vệ môi trường cũng hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp dần dần.
Chính sự manh mún, rời rạc, chưa kết nối được toàn xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường đang làm giảm đi hiệu quả của hoạt động ý nghĩa này. Không thể phủ nhận, những chiến dịch kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hay những dự án, chương trình bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết nhưng có lẽ “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”. Muốn bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm và những tác hại của biến đổi khí hậu cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội từ Nhà nước đến nhân dân.
Về phía Nhà nước, việc quan trọng là phải ban hành được một bộ luật bảo vệ môi trường chặt chẽ, kiện toàn, là khung pháp lý cơ bản để người dân thực hiện quyền và trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.
Về phía xã hội, những tổ chức tình nguyện phải tiếp tục năng động hơn nữa trong việc kêu gọi người dân bảo vệ môi trường. Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của mỗi một chiến dịch, hoạt động bảo vệ môi trường phải được trở thành một thói quen trong mỗi người dân. Không phải cứ có chiến dịch mới đi nhặt rác, đi làm sạch môi trường mà người người, nhà nhà phải ý thức được việc bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Sự góp sức của toàn xã hội mới có thể tạo ra được sức mạnh tổng hợp để chống lại “tử thần” ô nhiễm môi trường.
Thu Thủy