QĐND Online - Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, trên công trường  thi công đường Trường Sơn Đông, cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) chạy đua với thời gian, sớm đưa công trình cán đích, giúp Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắc Lắc)-địa bàn vốn là căn cứ kháng chiến thoát nghèo.

Đường Trường Sơn Đông có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) và điểm cuối giao cắt tỉnh lộ 722 thuộc địa phận xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), với tổng  chiều dài toàn tuyến 671km, đi qua 53 xã, phường của 18 huyện thuộc 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên (trong đó qua Tây Nguyên có 470km, qua tỉnh Đắc Lắc 106km), tổng kinh phí đầu tư theo dự toán ban đầu là hơn 3.528 tỉ đồng và được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, công trình được phát lệnh khởi công ngày 5-9-2005.

Công ty Xây dựng 470 thi công thí điểm bê tông xi măng ở gói thầu D38 tại xã Yang Mao

Trên tuyến đường này, Công ty Xây dựng 470 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) đảm nhận thi công 4 gói cầu và đường với tổng giá trị gần 200 tỷ đồng. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công vào thời điểm tháng 3-2011, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên công trường thi công các gói thầu C8, D38 và D44, đơn vị huy động hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và hơn 100 đầu máy thiết bị, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, xung kích vào những khâu khó, phần việc khó. Chúng tôi có mặt trên công trường thi công gói cầu và đường D38 tại xã Yang Mao, chứng kiến tinh thần hăng say lao động sáng tạo của những người lính Trường Sơn hôm nay. Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, nhất là ở địa hình hiểm trở, heo hút như Yang Mao vốn là vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắc Lắc thì thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Trao đổi với chúng tôi tại Sở chỉ huy công trường, Thiếu tá Trần Đăng Tuấn, chính trị viên Đội 1 (Công ty Xây dựng 470)-đơn vị đảm nhận thi công gói thầu D38 gồm 4 cầu và 5,5 km đường ngang qua địa bàn xã Yang Mao cho biết: Yang Mao nằm ở vùng giao thoa giữa khí hậu Tây Nguyên và Nam Trung bộ, vì thế mùa mưa thường kéo dài hơn bình thường từ một đến hai tháng. Mùa khô nắng nóng thất thường, muỗi và ruồi vàng nhiều. Địa bàn thi công lại heo hút, hiểm trở, trong đó có đoạn ngang qua vườn quốc gia Chư Yang Sin, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Đặc biệt, địa hình, địa chất khu vực này hết sức phức tạp, ngang qua nhiều khe suối, nền đất yếu, vì thế gói thầu D38 được Ban quản lý dự án 46 thuộc Bộ Tổng tham mưu (đơn vị đại diện chủ đầu tư) xác định là cung đoạn thi công thí điểm. Cụ thể, do nền đất yếu nên trong thi công, các cầu đơn vị phải áp dụng biện pháp đào bỏ đất yếu, đổi bù đất cứng và khoan cọc nhồi rất tốn kém; trong thi công cấp phối đá dăm mặt đường, đơn vị phải trộn thêm 5% xi măng và thực hiện bằng trạm trộn-đây là phương pháp mới lần đầu tiên áp dụng trên tuyến đường Trường Sơn Đông. Bên cạnh đó, do vị trí thi công nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, vì thế việc bảo đảm nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày của người lao động, cung cấp nhiên liệu cho máy móc cũng khó khăn và đắt đỏ. Ngay cả việc bảo đảm nước cho thi công và sinh hoạt cũng khan hiếm.

Trước những khó khăn, thiếu thốn, nhất là những đòi hỏi gắt gao về tiến độ thi công và kỹ thuật công trình, cán bộ, kỹ sư và người lao động Công ty Xây dựng 470 trên công trường thi công đường Trường Sơn Đông đã nỗ lực vượt bậc, chạy đua với thời gian, vừa bảo đảm thi công đạt tiến độ, vừa thực hiện tốt công tác dân vận, không gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống của bà con trên địa bàn, nhất là ở các buôn Ea Chố, Tar, Kiều, Hằng 5 của xã Yang Mao.

Học sinh xã Yang Mao tung tăng trên con đường Trường Sơn Đông đang thi công

Thượng tá Lưu Văn Trung, Đội trưởng Đội 1 cho biết: Đơn vị nhận tuyến gói thầu D38 từ ngày 1-4-2010, với tổng khối lượng công việc phải thi công gồm: đào 200 nghìn m3 đất đá, đắp hơn 24 nghìn m3 đất đá, đổ 4.930m3 cấp phối đá dăm, đổ 7.635m3 bê tông mặt đường, nắp đặt 196 cống. Đến trung tuần tháng 3-2011, đơn vị đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Những cán bộ, kỹ sư như Trung úy Lê Văn Hải, Trung úy Trần Như Quỳnh cùng các đồng chí trong ban chỉ huy đội luôn bám sát các hướng, các mũi thi công, vừa chỉ huy thi công, vừa trực tiếp giải quyết những khâu khó, những phần việc phức tạp. Tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động Đội 1 hạ quyết tâm: “Được bàn giao mặt bằng đúng cam kết, đơn vị sẽ đưa công trình về đích sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho xã Yang Mao phát triển toàn diện”.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến, xã Yang Mao được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vào tháng 5-2010. Đây cũng là địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn nhất của huyện Krông Bông, cách trung tâm huyện gần 40km. Hiện toàn xã có hơn 4.800 nhân khẩu trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76%, tỷ lệ hộ nghèo còn 62%. Theo đồng chí Y Dhăk Niê Kđăm, Bí thư đảng ủy thì: Do nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông cách trở nên giá cả nông sản bà con Yang Mao làm ra thường phải bán rẻ, chỉ bằng 50% giá thị trường, trong khi hàng hoá mua về do chi phí vận chuyển nên khi tới tay người dân lại đội giá lên gấp đôi. Giao thông cách trở là trở ngại lớn cho xoá đói giảm nghèo ở Yang Mao. Vì thế, khi tuyến đường Trường Sơn Đông hoàn thành, trong đó có 11 km ngang qua Yang Mao sẽ mở ra những thuận lợi rất lớn cho xã chúng tôi trong phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh. Đường Trường Sơn Đông thực sự là con đường của ý Đảng và lòng dân.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định