Tại cuộc họp Chính phủ cuối tháng 8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ dự thảo Đề án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và được đa số thành viên nhất trí. Theo dự thảo Đề án này, từ 1-10-2006, mức lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 350.000 lên 450.000 đồng một tháng. Những người hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, trong đó có cán bộ quân đội, lương hằng tháng sẽ tăng thêm khoảng 28,6%.

Những thông tin trên đã làm "mát lòng, mát ruột" nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, vẫn còn có không ít nỗi lo khi mà tiền lương cứ lẽo đẽo chạy theo giá, đời sống của một bộ phận người hưởng lương, trong đó có cán bộ quân đội vẫn còn khó khăn...

Hơn 10 triệu người được tăng lương

Căn cứ bước đi của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội năm 2006. Kết luận phiên họp, Thủ tướng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các văn bản, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 15 tháng 9 năm 2006.

Theo phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trên thì từ 1-10-2006, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 350.000 đồng/ tháng lên mức 450.000 đồng/tháng. Như vậy mức lương trung bình (tính bằng lương người mới tốt nghiệp đại học) sẽ tăng thêm 234.000 đồng, tiền lương của những người hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 28,6 %.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng nằm trong diện được tăng lương bởi mức lương tối thiểu chung được dùng làm cơ sở điều chỉnh. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị tăng 28,6% mức lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng này.

Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cả nước sẽ có khoảng hơn 10 triệu người được tăng lương vào thời điểm 1-10 sắp tới.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu

Với lần tăng dự kiến này, đây sẽ là lần điều chỉnh lương tối thiểu thứ 3 trong vòng 5 năm qua. Theo lộ trình ban đầu của đề án “Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công”, mức lương tối thiểu chung năm 2004 và 9 tháng đầu năm 2005 là 290.000 đồng/người/tháng; từ 1-10-2005 điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng, lên 300.000 đồng/tháng; năm 2006 là 320.000 đồng/tháng và 340.000 đồng/tháng vào năm 2007.

Tuy nhiên, do giá cả tăng quá nhanh, trong khi đề án không tính hết được các yếu tố tác động đến chính sách lương. Để bảo đảm bù trượt giá, tiếp tục cải thiện đời sống của người hưởng lương, Chính phủ đã điều chỉnh, tăng mức lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng từ ngày 1-10-2005 và dự kiến từ ngày 1-10-2006 sẽ là 450.000 đồng. Mặc dù mức lương tối thiểu năm 2005 và dự kiến năm 2006 đã cao hơn so với lộ trình dự kiến cho năm 2007 nhưng trong thời gian tới, theo ý kiến của một số chuyên gia vẫn cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu để góp phần cải thiện đời sống cho người làm công, ăn lương.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa đề nghị Chính phủ ban hành 2 Nghị định về lương tối thiểu áp dụng cho 2 khối hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước. Khối doanh nghiệp tăng tối đa 550.000 và dự kiến áp dụng từ 1-1-2007.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến, đến năm 2010 sẽ hợp nhất mức lương tối thiểu của tất cả doanh nghiệp. Hiện lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được tăng lương tối thiểu với mức cao nhất là 870.000 đồng một tháng, mức thấp nhất là 710.000 đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với năm 2005, nếu thực hiện theo phương án tăng lương nói trên, kinh phí nhà nước dành trả lương tăng thêm trong 3 tháng cuối năm 2006 khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, năm 2007 là hơn 26.000 tỷ đồng.

Nỗi lo "lương chạy theo giá "

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng 4,8%. Dự kiến trong tháng 9 này, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng, nếu tăng lương trong tháng 10 tới thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ lại càng tăng mạnh hơn. Một chuyên gia kinh tế của ta đã đưa ra hình ảnh so sánh giữa lương và giá mấy năm nay như hai người đuổi nhau. Cuộc chạy đua diễn ra quyết liệt nhưng trên thực tế thì lương luôn lẽo đẽo chạy theo giá mà chẳng thấy giá… đứng chờ?

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng và của các chuyên gia kinh tế thì đợt tăng lương sắp tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả. Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, đồng chí Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã khẳng định: Trên lý thuyết, việc điều chỉnh tăng lương không tác động tới việc tăng giá, bởi chúng ta không in thêm tiền để đưa vào lưu thông nên không gây áp lực lên mặt bằng giá. Chính phủ không cần phải điều chỉnh các chính sách điều hành thị trường năm 2006 do tăng lương.

Đồng chí Phó cục trưởng Cục Quản lý giá đưa ra nhận định: 4 tháng cuối năm nay, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng thêm khoảng từ 2% đến 2,5%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 cao nhất cũng chỉ vào khoảng 7,3% bảo đảm mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra là tốc độ tăng CPI dưới tốc độ tăng GDP và nếu như thế thì mục tiêu tăng lương của chúng ta sẽ đạt được.

Lương của quân đội phải tương xứng với sự cống hiến

Quan điểm của Chính phủ về tiền lương của lực lượng vũ trang đã thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay". Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu), cấp trung úy là 4,6, cấp thượng úy là 5,0. cấp đại uý là 5,4, cấp thiếu tá là 6,0, cấp trung tá là 6,6, cấp thượng tá là 7,3, cấp đại tá là 8,0.

Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần, của quân nhân chuyên nghiệp bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm. Như vậy, từ 1-10 tới, dự kiến tiền lương hàng tháng (chưa kể tới các khoản phụ cấp theo lương tăng), của cấp thiếu uý sẽ tăng thêm 420.000 đồng, của cấp thiếu tá tăng thêm 600.000 đồng, cấp đại tá tăng thêm 800.000 đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn còn rất nhiều khó khăn. Việc "động viên vợ bằng... thư, nuôi con bằng... kẹo" không phải là cá biệt với các cán bộ quân đội sống ở xa gia đình. Nhiều cán bộ quân đội khi đi trả phép đã phải “ngửa tay” xin tiền vợ. Trong khi đó cán bộ quân đội ở cơ sở gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, không có khái niệm thu nhập ngoài lương. Vì vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương sắp tới, dư luận mong muốn cần phải có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với cán bộ quân đội.

ĐỖ PHÚ THỌ