Cụ Đôn sinh năm 1911, mất năm 1999. Sinh thời, cụ làm ruộng, bốc thuốc bắc chữa bệnh, cứu người. Cũng như bao trai tráng trong làng, khi Tổ quốc gặp họa xâm lăng, các con của cụ hăng hái tòng quân cứu nước. Năm 1954, người con đầu của cụ là Nguyễn Văn San, hy sinh khi truy quét địch trên địa bàn huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trong 2 năm (1969, 1971), các anh Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Xuân Thản và Nguyễn Văn Lanh (con rể của cụ) hy sinh ở mặt trận phía Nam. Với những đóng góp đặc biệt của gia đình cho sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước đã truy tặng cụ Vũ Thị Nhớn (vợ cụ Đôn) danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trao tặng cụ Nguyễn Khắc Đôn Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Ba.

leftcenterrightdel
 Đại diện con, cháu, chắt của cụ Nguyễn Khắc Đôn. 

Tiếp chúng tôi, các con của cụ Đôn tự hào kể: "Lúc anh em chúng tôi chưa trưởng thành, cả nhà ăn cùng một mâm cơm. Chúng tôi lớn khôn nhờ khoai, lúa và sự dạy bảo của các bậc sinh thành. Thầy bu chúng tôi gây dựng gia phong ngay từ khi các cụ về ở với nhau, lại quý con dâu, con rể như con đẻ, mong sao hết thảy đều sống yêu thương nhau. Khi báo tử anh Huy, anh Thản, thầy bu chúng tôi gọi các con lại, dạy rằng: "Nhà ta xưa nay đều làm ăn lương thiện, trong ấm, ngoài êm, có 3 liệt sĩ. Các con nhớ gìn giữ, phát huy những điều tốt đẹp; có gì khiếm khuyết thì tự răn, tự sửa, đừng để những người ruột thịt của mình đã hy sinh vì Tổ quốc, nơi chín suối phải chạnh lòng".

Tháng 7-1998, một năm sau khi cụ Vũ Thị Nhớn tạ thế, cụ Đôn dặn các con: "Mai kia, khi bố về với tiên tổ, đại diện chính quyền xã sẽ chủ trì lễ tang. Các con phải chấp hành nghiêm. Có 3 điều phải nhớ và thực hiện đúng: Giảm cỗ bàn; không "than thuê khóc mướn"; không được để việc tang lễ kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con làng xóm”. Năm sau, cụ Đôn về cõi vĩnh hằng, nghe theo lời răn dạy, các con đã thực hiện theo đúng di nguyện.

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình và những lời dạy bảo, nền nếp gia phong được truyền lại, thế hệ con cháu trong gia đình cụ Đôn phấn đấu tu dưỡng, xứng đáng với công lao dưỡng dục của cha mẹ, cùng sự hy sinh của các liệt sĩ. Họ chăm lo gia đình hạnh phúc, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thượng tôn pháp luật; ai cũng chăm chỉ lao động, công tác, lo nuôi dạy con cháu nên người. Những người con của cụ Đôn tham gia công tác xã hội, là công chức hay làm nông nghiệp luôn hoàn thành nhiệm vụ, gương mẫu trước con cháu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến.

Đặc biệt, các cháu nội, cháu ngoại của cụ Đôn đều có chí tiến thủ. Tiêu biểu như các anh, chị: Nguyễn Duy Hưởng, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Ngoãn… là những đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sự nghiệp "trồng người". Nguyễn Văn Cường là giám đốc một doanh nghiệp, có tín nhiệm cao về năng lực khảo sát địa chất công trình. Nguyễn Văn Nghiễm, Nguyễn Văn Nghiêm-hai tiến sĩ khoa học được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, luôn khát khao sáng tạo cống hiến... Tất cả họ đều có chung suy nghĩ là phát huy truyền thống quê hương, gia đình, cống hiến hết mình để góp phần nhỏ bé xây dựng Tổ quốc, quê hương mạnh giàu.

Nói về gia đình cụ Nguyễn Khắc Đôn, ông Nguyễn Duy Nguyện, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy và các đồng chí lãnh đạo xã Thụy Chính đều tâm đắc: "Con cháu cụ Đôn luôn luôn phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, của gia đình, đóng góp, cống hiến tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước, là những công dân gương mẫu của địa phương".

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG