Chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và người dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số, thay đổi tư duy để thoát nghèo.
Quan Sơn là huyện miền núi biên giới có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng của huyện chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; lao động tại địa phương thiếu sinh kế, kỹ năng nghề nghiệp dẫn đến thu nhập thiếu bền vững... Tuy nhiên, hiện nay, người dân đã dần thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu để phát triển kinh tế.
|
|
Gạo nếp Cay Nọi, sản phẩm OCOP của huyện Quan Sơn. |
Tại xã Sơn Điện có mô hình nuôi cá tầm đang mang lại thu nhập khá cho những người nông dân tại đây. Một trong những người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cá tầm trong huyện là anh Phạm Ngọc Thanh. Trong một lần đi tắm suối, nhận thấy nước suối Sủa ở xã Sơn Điện mát lạnh quanh năm, khoảng 23 độ C, sẵn có kinh nghiệm từng đi làm tại trang trại nuôi cá tầm ở Lào Cai, anh nảy ra ý định mang giống cá tầm về đây nuôi thử. Năm 2019, vợ chồng anh Thanh bắt tay vào cải tạo hệ thống bể nước, làm mương dẫn nước suối về. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên đàn cá chết nhiều. Song, không nản chí, anh tìm sách để đọc, học hỏi những người có kinh nghiệm để chăm sóc, đàn cá phát triển và sinh trưởng tốt. Hiện trại nuôi của anh có khoảng 10 tấn cá đang chuẩn bị xuất bán. Với giá bán ra thị trường trung bình 300.000-350.000 đồng/kg, anh Thanh dự kiến thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Với sự nhanh nhạy và mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế của mình, anh Thanh đã thành công với mô hình nuôi cá tầm. Việc nuôi cá tầm không chỉ mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ cho gia đình anh mà còn tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với thu nhập ổn định 5-6 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Sơn Điện đã học hỏi anh Thanh, mạnh dạn nuôi cá tầm, khai thác lợi thế ngay tại nơi mình sinh sống để thoát nghèo, làm giàu. Anh Phạm Ngọc Thanh chia sẻ: “Đầu tư nuôi loại cá này cần không ít vốn, kỹ thuật cũng yêu cầu cao, nhưng kết quả thu được rất khá. Hiện nay, thị trường đang đón nhận rất tốt, cá tầm đang là sản phẩm OCOP của xã Sơn Điện”.
Khác với cá tầm, gạo nếp Cay Nọi được người dân Quan Sơn trồng từ nhiều đời nay. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu cùng kinh nghiệm chăm sóc của bà con, gạo có vị thơm đặc trưng, hạt căng tròn, trắng mẩy, thơm dẻo. Sản phẩm thường được dùng để nấu xôi, làm bánh... Lúa nếp Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Linh triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi. Đây là mô hình đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Bà Vi Thị Thơm, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Linh đánh giá: “Với giá bán tương đối ổn định trong thời gian qua, người trồng lúa có thể thu lợi nhuận 3-3,5 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng bản địa. Thị trường của sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi huyện Quan Sơn rất rộng mở. Sản lượng cung ứng ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: “Chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với giảm nghèo bền vững là một trong 3 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Khi bắt tay vào thực hiện, chính quyền huyện gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập quán sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Trước thực tế đó, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ các chương trình, nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh vào tình hình thực tế tại các địa phương trong huyện. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị như: Mô hình nuôi cá tầm ở xã Sơn Điện; vịt cỏ ở xã Sơn Hà; nuôi gà ri dưới tán rừng theo tiêu chuẩn VietGAP...”.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên các mô hình sản xuất được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Quan Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.