Ấn tượng đầu tiên khi gặp Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn Hồ Tất Ái là dáng vẻ dung dị, gần gũi thân thương, cách nói chuyện am tường pha một chút dí dỏm. “Đây là nơi làm việc của tôi đấy”-cách giới thiệu giản dị mà đầy tự hào của ông khiến ai nghe cũng xúc động. Gần 20 năm, ông cùng 19 cán bộ Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn lặng lẽ chăm sóc từng ngôi mộ liệt sĩ và tiếp đón các gia đình liệt sĩ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.
Giữa chốn linh thiêng, công việc đòi hỏi những người làm quản trang như ông không chỉ có tính tận tụy, tỉ mỉ, tâm huyết mà còn có tấm lòng thành kính. Ban ngày ông dọn dẹp nghĩa trang, đêm đến thắp hương cho từng phần mộ. Gần 20 năm qua, điều làm ông trăn trở nhất là chưa tìm được hết người thân cho các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây. Một trong những cái tên mà ông đau đáu nhất là liệt sĩ Cháu Nhân. Đây là phần mộ duy nhất chưa tìm được người thân trong tổng số 164 phần mộ liệt sĩ có quê ở các tỉnh phía Nam.
Hòa bình lập lại đã hơn 40 năm, nhưng số lượng phần mộ liệt sĩ không tên, mộ liệt sĩ chưa có người thân đến nhận vẫn còn rất nhiều. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi có 10.263 liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, công tác tìm người thân cho các liệt sĩ đang được ông Ái và các thành viên trong ban quản lý tiếp tục nỗ lực từng ngày.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, ông Hồ Tất Ái kể: “Chuyện tìm người thân cho các liệt sĩ nhiều bất ngờ lắm. Có anh ở Bình Định trong một lần đi theo đoàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng lên viếng nghĩa trang, tự nhiên ngất xỉu. Lúc đó, chúng tôi nghĩ anh ta bị trúng gió. Sau khi tỉnh lại, chúng tôi mới biết, vì vô tình thắp hương đúng phần mộ của anh trai mình, mừng quá nên bất tỉnh. Rồi lại có một chị người Thanh Hóa, khi đến thắp hương ở nghĩa trang thì mới phát hiện ra phần mộ người yêu cũ. Người mà mười mấy năm liền chị luôn nhớ thương và cả hờn trách. Bởi chị nghĩ người yêu đã thất hẹn, lập gia đình, thì đâu ngờ anh đã nằm lại mãi mãi trên chiến trường xưa...". Đó là hai trong số rất nhiều câu chuyện kể về hành trình tìm người thân mà ông chứng kiến.
Khu mộ liệt sĩ các tỉnh phía Nam.
Điều gây xúc động với chúng tôi là những người quản trang nơi đây có thể nhớ hết tên và vị trí tất cả các ngôi mộ liệt sĩ. Các thành viên trong Ban quản lý được “chuyên trách” từng khu vực nhất định nên khi có người đến tìm phần mộ người thân thì được hướng dẫn rất nhanh và tận tình. Hằng ngày, ông Ái và các thành viên trong ban quản lý luôn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi về tìm người thân. Ông dặn dò các thành viên phải gửi thư trả lời từng người thật chi tiết, nếu mộ liệt sĩ không có ở nghĩa trang này thì hướng dẫn sang tìm ở những địa chỉ khác. Ban quản lý của ông còn thường xuyên đăng thông tin tìm người thân cho các liệt sĩ lên trang web Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, với tất cả hy vọng sẽ sớm đưa các anh về đoàn tụ với gia đình. Ông Trần Xuân Anh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Trị, tâm sự: “Các liệt sĩ là những anh hùng mãi mãi tuổi đôi mươi. Các anh là những người gánh cả Trường Sơn trong thời chiến. Và nay, Trường Sơn lại được các anh chọn làm nơi yên nghỉ. Vì vậy, người dân Quảng Trị phải có bổn phận và trách nhiệm trông coi, chăm sóc thật chu đáo, tỉ mỉ từng phần mộ các liệt sĩ”. Trời đã về chiều, ông Ái tiễn chúng tôi ra tận cổng, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”...
Bài và ảnh: HOÀI THƯƠNG