 |
Ông Đào Ngọc Vân cùng bạn bè ôn lại những kỷ niệm của ngày 30-4 lịch sử.
|
Nhập ngũ năm 1972, sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ trẻ Đào Ngọc Vân được biên chế về Đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Nhớ về ngày 30-4-1975, ông Vân kể: Sáng 30-4, sau khi vượt qua các chốt ngăn chặn của địch, đơn vị tôi tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Tôi lái chiếc xe Jeep chở Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, cùng Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý tác chiến của trung đoàn; Trung úy Phùng Bá Đam, Trợ lý cán bộ trung đoàn; Hạ sĩ Bàng Nguyên Thất, Chiến sĩ thông tin máy 2W; Binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, Chiến sĩ thông tin truyền đạt, vượt lên phía trước. Gần đến Dinh Độc Lập, từ xa, tôi thấy cổng vẫn đóng nhưng ngay sau đó, hai chiếc xe tăng hùng dũng lao tới, chiếc thứ nhất húc vào cổng phụ nhưng bị mắc kẹt tại đó, chiếc thứ hai húc đổ cổng chính và lao vào sân. Anh Thệ chỉ thị cho tôi lái xe bám theo xe tăng qua cổng, tiến thẳng vào dinh, sau đó mọi người lên tầng hai tòa nhà.
Vừa bước vào cầu thang lên tầng trên thì chúng tôi gặp trợ lý của Dương Văn Minh. Ông ta đưa chúng tôi sang phòng họp gặp Dương Văn Minh. Chỉ vài phút sau, đồng chí Phạm Xuân Thệ yêu cầu Dương Văn Minh phải đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và đi luôn bằng chiếc xe Jeep. Tôi lái xe, cùng anh Thệ và các đồng đội áp giải Dương Văn Minh đến đài phát thanh. Đến nơi, lúc này không có nhân viên kỹ thuật, anh Thệ yêu cầu cử người đi tìm nhân viên của đài về tiếp tục công việc. Một lúc sau, các loa phóng thanh Sài Gòn cùng phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam...".
Dương Văn Minh vừa dứt lời tuyên bố đầu hàng, đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, thay mặt các đơn vị Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, dõng dạc đọc lời tuyên bố: "Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn...".
Kể đến đây, giọng ông Vân bỗng nghẹn lại vì xúc động. Ông cho biết: Nghe được những câu đó, tôi nhảy ra khỏi xe, ôm lấy đồng đội và người dân bên đường và hô to: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi... Giải phóng rồi... Giải phóng rồi...!". Cả thành phố sôi động trong những tiếng reo hò không ngớt.
Cho đến hôm nay, 43 năm đã qua nhưng niềm hạnh phúc ấy vẫn trào dâng trong ông. Hòa bình lập lại, ông Đào Ngọc Vân trở về quê và sau đó công tác tại Công ty Môi trường Thanh Hóa. Năm 2005, ông nghỉ hưu theo chế độ và hiện sống hạnh phúc cùng con cháu.
Bài, ảnh: THÀNH AN