Tàu HQ 671 còn có các tên gọi khác là: Tàu C41, Tàu 641. Tàu được biên chế vào Đoàn 125, Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1964. Cán bộ, thủy thủ tàu trong những năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã lập nhiều chiến công vang dội. Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thuyền trưởng Tàu C41 (từ năm 1964-1966), cho biết: "Tàu C41 do tôi chỉ huy đã 3 lần vận chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) thành công. Trong nhiều tình huống cam go, ác liệt, cán bộ, thủy thủ tàu luôn mưu trí, bí mật bốc xếp hàng hóa, vũ khí, mở bến mới cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển".
 |
Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh nói chuyện với cán bộ, thủy thủ Tàu HQ 671 và nhân viên Bảo tàng Hải quân trên boong tàu HQ 671. Ảnh: VŨ VĂN |
Mới đây, thăm lại con tàu bảo vật đang lưu giữ tại bến cảng cạnh Bảo tàng Hải quân, đứng trên đài chỉ huy tàu, Trung tá Hồ Đắc Thạnh tái hiện lại những động tác chỉ huy dứt khoát, khẩu lệnh chỉ huy vượt qua bom đạn địch... đến công tác ngụy trang, nghi binh che mắt địch. Ngoài chở vũ khí, đạn dược, tàu còn chở cả gạo thơm, quà của Bộ tư lệnh Hải quân tặng cán bộ, chiến sĩ Vũng Rô. Kỷ niệm khó quên với Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh là chuyến thứ ba, Tàu C41 chở hàng vào Vũng Rô, đúng Giao thừa Xuân Ất Tỵ năm 1965, tàu thả trôi nghe Bác Hồ chúc Tết; khi bốc xong hàng, tàu nhanh chóng cơ động rời bến trở về miền Bắc an toàn.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Tàu HQ 671 vinh dự được bắn phát súng đầu tiên mở màn cho Đoàn 125 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thượng úy Nguyễn Đắc Thớ, nguyên máy trưởng Tàu HQ 671 (từ năm 1968-1981), cho biết: "Tàu bí mật đến đúng bến, cung cấp vũ khí, đạn dược cho các đơn vị bạn đánh chiếm TP Huế. Sau đó, tàu tiếp tục chở quân lao thẳng hướng Đà Nẵng, như một "mũi khoan" xung kích dọn đường cho các tàu bạn chở xe tăng, pháo vào cảng Đà Nẵng, tăng cường sức mạnh chiến đấu để giải phóng và bảo vệ thành phố quan trọng này, đồng thời tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa…".
 |
Tàu HQ 671 vận chuyển vũ khí trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Ảnh tư liệu
|
Thiếu úy Vũ Văn Quang, nguyên chiến sĩ cơ điện của tàu (năm 1973-1982), khi nói về những năm tháng gắn bó với tàu, trong ông luôn đầy ắp những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội gắn bó trong chiến đấu cũng như trong học tập, công tác. Ông chia sẻ: Tháng 10-1978, Tàu HQ 671 nhận nhiệm vụ đi tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh bị sóng nước đánh trôi dạt khi làm nhiệm vụ. Sau hơn một tuần kiên trì tìm kiếm trên vùng biển rộng lớn, vượt qua sóng to, gió lớn, tập thể cán bộ, thủy thủ tàu đã đưa các cán bộ, chiến sĩ bị sóng đánh trôi dạt về đơn vị an toàn.
Bảo tàng Hải quân thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập và hầu hết các đoàn đều đến thăm Tàu HQ 671, hiện neo đậu tại bến cảng trên sông Lạch Tray, TP Hải Phòng, thuộc khuôn viên Bảo tàng Hải quân. Hằng ngày, cán bộ, thủy thủ tàu vẫn duy trì nền nếp bảo quản, bảo dưỡng và phục vụ các hoạt động tham quan. Thiếu tá QNCN Vũ Thanh Hiệu, Thuyền trưởng Tàu HQ 671, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác của tàu. Được bảo quản và vận hành tàu vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của mỗi cán bộ, thủy thủ".
Những năm qua, khi tiếp nhận Tàu HQ 671, Bảo tàng Hải quân đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá cho khách tham quan. Trung tá Hoàng Phi Hà, Giám đốc Bảo tàng Hải quân, cho biết: "Khi Tàu HQ 671 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, bảo tàng đã đề xuất phương án bảo quản, gìn giữ lâu dài, vừa phục vụ tốt công tác tuyên truyền, vừa phù hợp theo Luật Di sản văn hóa...".
Từ khi được biên chế vào đội hình tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam, Tập thể Tàu HQ 671 đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc; được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất (tháng 1-1973), lần thứ hai (tháng 1-1989); được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công; 8 cán bộ, thủy thủ của tàu qua các thời kỳ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
VŨ HƯỞNG