*Dự kiến mức tăng bình quân 8,8%
*Nhiều doanh nghiệp lo ngại khi giá điện tăng
Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Công nghiệp sớm trình Chính phủ đề án tăng giá điện để có thể áp dụng từ đầu tháng 12 tới, sớm hơn một tháng so với dự kiến ban đầu là tháng 1-2007. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Quân đội nhân dân trong ngày hôm qua (21-11) về chủ trương tăng giá điện, phần lớn các doanh nghiệp và người dân đều khẳng định việc tăng giá là cần thiết đến bảo đảm việc đầu tư có đủ điện dùng và khuyến khích tiết kiệm điện. Tuy nhiên, cũng có không ít người lo ngại khi giá điện tăng và đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ thời điểm tăng giá điện...
Tăng giá điện là cần thiết
Chiều qua (21-11), trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân, một cán bộ của Bộ Công nghiệp cho biết: hơn một năm nay, phương án tăng giá điện đã được các cơ quan thông tin đại chúng nói đến rất nhiều. Có 4 phương án tăng giá điện sản xuất, sinh hoạt đã được Bộ Công nghiệp đưa ra công khai lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và đoàn thể quần chúng. Tinh thần và mục tiêu của việc tăng giá điện lần này là: tăng giá điện để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế nhằm phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của xã hội đã và đang liên tục tăng cao (trung bình từ 14 đến 15%/ năm); khuyến khích các cơ sở sản xuất, người tiêu dùng sử dụng điện một cách hợp lý, tiết kiệm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia (than, khí, dầu…).
 |
Có 4 phương án tăng giá điện sản xuất, sinh hoạt (ảnh: Internet). |
Ông Phạm Công Tham, Vụ trưởng Vụ Kế toán, Bộ Công nghiệp cho biết: đề nghị tăng giá điện của Bộ Công nghiệp đã trình Chính phủ từ mấy tháng trước. Tiếp đó, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã tiến hành thẩm định. Hiện nay, kết quả thẩm định của hai Bộ trên về phương án tăng giá điện cũng đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, tăng giá điện theo phương án nào và thời gian thực hiện từ bao giờ phải chờ Chính phủ quyết định.
Được biết phương án tăng giá điện sau khi được Bộ Tài chính xem xét về cơ bản vẫn giữ nguyên mức tăng bình quân 8,8% (từ 783đ/kWh lên 852đ/kWh) theo Bộ Công nghiệp đề xuất trước đó. Theo biểu giá mới mà Tổ công tác liên ngành về giá điện đưa ra, giá sinh hoạt bậc thang đối với 100kWh đầu tiên sẽ tăng lên mức 620đ/kWh, tăng 70đ/kWh so với giá hiện nay. Đối với bậc thang 100-400kWh, biểu giá mới dự kiến sẽ tăng lên mức 1.695đ/kWh so với 1.400đ/kWh như hiện nay. Phương án điều chỉnh giá này cũng đề xuất bổ sung việc điều chỉnh giá điện đối với các bậc thang trên 400kWh, mức giá mới sẽ lên đến 1.780đ/kWh.
Ngoài ra, thực hiện giảm dần bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, trong phương án trình Chính phủ, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp cũng đề nghị tăng mạnh giá bán điện cho sản xuất vào giờ cao điểm và giữ nguyên giá bán vào giờ bình thường và giờ thấp điểm. Riêng điện sinh hoạt, theo tính toán của liên bộ do được bù chéo nên mức tăng không nhiều so với điện sản xuất. Như vậy phương án tăng giá điện sẽ vẫn theo hướng khuyến khích việc sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm.
Giá điện tăng, có kéo theo tăng giá các hàng hóa khác?
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Quân đội nhân dân chiều qua (21-11) về chủ trương tăng giá điện trong thời gian tới, ông Vương Quốc Lợi, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam lo ngại giá điện tăng sẽ làm cho giá thành thép tăng, ngành thép trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn. Ông Lợi cho biết, để sản xuất thép phải cần đến điện. Tùy công nghệ sản xuất mà lượng điện tiêu thụ nhiều hay ít, nhưng nói chung giá điện chiếm tỷ lệ khá lớn trong giá thành thép. Hiện nay giá thép cây tại miền Bắc là 7,8-7,9 triệu đồng/tấn, còn thép cuộn là 7,5 triệu đồng/tấn chưa có VAT, tại miền Nam là 8,0-8,1 triệu đồng/tấn và 7,7 triệu đồng/tấn chưa có VAT. Nếu vẫn giữ giá bán này trong thời gian tới và giá phôi nhập khẩu ở mức 420USD/tấn, giá điện như hiện nay thì những doanh nghiệp không sản xuất được phôi mà phải nhập khẩu sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Việc nâng giá thép được các doanh nghiệp rất quan tâm, nhưng nâng giá không dễ một chút nào do lượng tiêu thụ năm nay không cao, bên cạnh đó các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với nhau rất mạnh. Một lý do nữa là nếu tăng giá lên cao, thép Trung Quốc sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam nhiều hơn, cạnh tranh với các sản phẩm trong nước.
Các doanh nghiệp sản xuất nhựa, phân bón cũng lo ngại trước việc giá điện sẽ tăng. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển sang sản xuất vào giờ thấp điểm để hưởng giá điện thấp.
Một số chuyên gia kinh tế cũng tỏ ý lo ngại khi tăng giá điện sẽ kéo theo “phản ứng dây chuyền” đến một số hàng hóa khác tăng giá theo. Nhiều doanh nghiệp và người dân đề nghị Chính phủ cân nhắc về thời gian tăng giá điện, có thể tăng từ đầu năm tới theo lộ trình.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ về tình hình giá than dự kiến sẽ tăng khoảng 6% vào năm 2007. Đây là mức dự kiến được Bộ đưa ra sau khi ngành than tăng giá bán than cho 3 "hộ" tiêu thụ than lớn gồm xi măng, phân bón và giấy. Dự kiến vào đầu tháng 3-2007, giá bán than cho sản xuất điện sẽ gần bằng giá thành tiêu thụ và giá bán cho 3 "hộ" xi măng, phân bón và giấy sẽ có sự điều chỉnh để tiến tới sẽ thống nhất giá thị trường cho tất cả các "hộ" tiêu thụ than lớn.
Có thể tiết kiệm điện nhiều hơn
Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ quý 2-2006 đến nay, các công ty điện lực trong cả nước đã triển khai bán tiếp đèn compact giảm giá đợt 2 với số lượng 700.000 chiếc tại 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo số liệu thống kê của Ban Kinh doanh và điện nông thôn (Tổng công ty Điện lực Việt Nam), chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, số lượng đèn compact tiêu thụ trên thị trường tự do nước ta đã gấp 2,7 lần so với mức tiêu thụ của cả năm 2005 và gấp 4,6 lần so với cả năm 2004. Như vậy, kể từ khi EVN phát động chương trình đèn compact (từ tháng 9-2005), tổng số đèn compact tiêu thụ trong cả nước đã lên tới khoảng 4,2 triệu bóng. Nếu chỉ tính với 50% số đèn này (khoảng 2,1 triệu bóng) được sử dụng thay thế bóng đèn tròn sợi đốt thì cả nước đã cắt giảm được 50MW công suất điện trong giờ cao điểm, tương ứng với sản lượng điện tiết kiệm được là 108 triệu kWh/năm.
Nguyên tắc chung trong điều hành giá là phải làm cho giá cả phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất, kinh doanh theo nguyên lý thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật và từng bước đưa hệ thống giá trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới. Các mục tiêu và giải pháp cụ thể điều hành giá cần được nghiên cứu hoàn chỉnh để trở thành một nội dung trong Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007.
(Trích Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10 năm 2006). |
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chương trình tiết kiệm điện qua sử dụng đèn compact, các công ty điện lực, các điện lực đã làm việc với các doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau). Điển hình là Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng đã bố trí máy cán tráng, máy ép suất, luyện có công suất tiêu thụ điện năng lớn sản xuất vào giờ thấp điểm nên đã tiết kiệm hơn một tỷ đồng tiền điện. Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển cũng không sử dụng các thiết bị sấy, nghiền vào giờ cao điểm.
Một giải pháp quan trọng khác để thực hiện tiết kiệm điện nhưng vẫn phát triển sản xuất là các doanh nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển trước sử dụng hệ thống máy nghiền công suất 2,5-3 tấn/giờ thì nay nâng lên 6,5-10,5 tấn/giờ. Đặc biệt, công ty đưa ra trắc đồ lò cao phù hợp với công nghệ sản xuất phân lân nung chảy bằng nhiên liệu than antraxít, không những năng suất lò tăng 600% mà định mức tiêu hao điện tại lò cao giảm hơn 81%. Tính ra, mỗi năm công ty tiết kiệm 30 triệu kWh, tương ứng với 27 tỷ đồng.
Theo đánh giá của EVN, trở ngại chính trong thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hiện nay là chưa có chế tài xử lý những trường hợp dùng điện lãng phí. Đối với chiếu sáng công cộng, nhiều tuyến đèn đường được thiết kế trên cùng một tuyến đường điện nên việc giảm số lượng đèn phải dùng biện pháp thủ công. Trong đó, có nhiều tuyến đường không có hệ thống điều khiển tắt, bật tự động, còn thao tác bằng tay nên giờ tắt bật chưa đúng. Riêng với chương trình sử dụng đèn compact, khách hàng còn thiếu các thông tin về chất lượng, giá cả và thị trường loại đèn này. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn chưa có các cửa hàng bán đèn compact và nhiều khu vực lưới điện nông thôn cũ nát không bảo đảm chất lượng điện áp nên người dân chưa có điều kiện tiếp cận.
Nhằm hạn chế tình trạng thiếu điện trong năm 2007 và những năm tiếp theo, EVN sẽ khẩn trương xây dựng và triển khai thêm một số giải pháp mới trong đó có quảng bá chương trình chiếu sáng các trường học, quảng bá chương trình sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình và khách sạn, quảng bá thiết bị điện được dán tem tiết kiệm năng lượng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp sớm triển khai tổ chức thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
ĐỖ PHÚ THỌ - THIỀU QUANG BIÊN