LTS: Tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Bình quân mỗi năm ở nước ta có gần 25.000 người chết và bị thương do TNGT, trong đó số người chết thường vượt quá con số 11.000 người, kéo theo bao hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp, nhưng trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn và ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng.

Để góp phần tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật giao thông của các tầng lớp nhân dân; phổ biến những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; đăng tải những góp ý, kiến nghị của cán bộ, nhân dân nhằm bảo đảm TTATGT tốt hơn, từ tháng 1-2007, báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục: "An toàn giao thông: Nói và làm". Tòa soạn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phổ biến kinh nghiệm, "hiến kế" của đông đảo nhân dân, các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ, chiến sĩ LLVT... để chuyên mục trở thành "diễn đàn" rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực.

          Nhà tôi chỉ cách trường học hơn 1km, vậy mà hơn một tiếng đồng hồ tôi mới đưa được cháu đến trường, nhìn đồng hồ đã 8 giờ 45 phút, trong khi giờ học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Đó là một buổi sáng "không may", khi tôi vừa đưa cháu bằng xe máy ra khỏi nhà được vài trăm mét thì gặp ngay cảnh ùn tắc tại khu vực cây xăng ở ngã ba đường Trường Chinh-Tôn Thất Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một trong những "điểm nóng" ùn tắc giao thông của thành phố bởi lượng người, phương tiện qua lại rất đông, đường sá chật hẹp, lại có đoạn "thắt cổ chai".

Tại đây, vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ, nhưng nhờ lực lượng CSGT ứng trực thường xuyên, nên phương tiện vẫn lưu thông khá trật tự, dù chậm... Vậy mà không hiểu sao, sáng hôm đó vắng bóng các anh CSGT từ đầu giờ sáng, đèn tín hiệu điều khiển giao thông lại "nháy lia lịa", nên chỉ lát sau, tình trạng giao thông đã trở nên hỗn loạn. Xe ô tô kẹt giữa ngã 3; xe máy, xe đạp đua nhau chen lấn, giành đường, đi trái chiều, "nhảy" cả lên vỉa hè... Nút giao thông dần bị "kẹt cứng", dòng người, xe "tiến thoái, lưỡng nan" kéo dài nhanh chóng.

Giữa "biển người" ấy, khói xả động cơ đến ngạt thở. Từ điểm "kẹt cứng" này, ùn tắc giao thông "dây chuyền" lan nhanh ra cả khu vực ngã tư Tôn Thất Tùng-Chùa Bộc, ngã tư Vọng, ngã tư Sở... cách đó không xa. Cả một khu vực rộng với nhiều tuyến đường huyết mạch bị tắc nghẽn...

Khi tình hình giao thông đã "nguy ngập" mới thấy các anh CSGT đến giải tỏa và việc "gỡ rối" hết sức gian nan, vất vả cả với lực lượng thừa hành công vụ và người tham gia giao thông. Thoát được "biển người" ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng đều bị muộn giờ và mỗi lần qua đây vẫn ám ảnh nỗi lo thường trực...

Trong khi mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân chưa cao, thì việc ứng trực điều khiển, hướng dẫn, phân luồng, giải tỏa kịp thời ách tắc giao thông của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông là hết sức cần thiết. Tôi được biết, ngay cả trên các tuyến quốc lộ, khi TNGT nghiêm trọng xảy ra, nếu CSGT không kịp thời có mặt tại hiện trường cũng rất dễ dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài. Đề nghị lực lượng CSGT thường xuyên bố trí ứng trực tại các "điểm nóng", nhất là vào giờ cao điểm; nắm bắt, xử lý kịp thời tai nạn, ùn tắc giao thông, không để nỗi khổ "kẹt cứng" mới chạy theo... giải tỏa.

THU HẰNG

(Phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội)