Ngày môi trường thế giới được tổ chức vào ngày 5-6 hằng năm là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm nay là “Hãy thay đổi thói quen: Hướng đến một nền kinh tế ít các-bon”. Nội dung xuyên suốt là vấn đề biến đổi khí hậu-đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của nhiều dân tộc, nhiều nơi trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam.
 |
Người nghèo dễ bị tổn thương nhất với các thảm họa môi trường (ảnh internet) |
Biến đổi khí hậu với biểu hiện chế độ thời tiết bất thường, sự ấm lên của trái đất, hậu quả là băng tan, mực nước biển dâng lên, dẫn đến nước mặn lấn sâu vào nội địa làm mất nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản, mưa lũ, bão lốc, giông tố ngày một gia tăng... Con người đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu như dịch bệnh, đói nghèo, mất nơi ăn chốn ở, thiếu đất canh tác, sự suy giảm đa dạng sinh học... Nguyên nhân trực tiếp của sự biến đổi đó là do phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là khí các-bon. Nồng độ khí này trong khí quyển tăng lên từ việc đốt khối lượng lớn các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong quá trình phát triển công nghiệp, tình trạng phá rừng và khai thác gỗ thiếu bền vững là nguyên nhân tạo ra phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Hình thức canh tác, chăn nuôi, giao thông vận tải, thói quen sử dụng năng lượng, nhiên liệu không tái tạo và các sản phẩm từ rừng cũng làm tăng đáng kể lượng khí nhà kính.
Nhận thấy biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề của toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) yêu cầu các quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng tập trung giải quyết các vấn đề về phát thải khí nhà kính và đưa ra các biện pháp giảm thiểu. Ngày Môi trường thế giới năm nay, UNEP đã đưa ra 12 giải pháp giảm phát thải khí CO2, trong đó có những vấn đề chủ yếu như việc đánh giá nguyên nhân gây ra khí nhà kính và đánh giá nội bộ là bước đầu giúp giảm thiểu khí nhà kính cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Các tổ chức lớn hơn có thể sử dụng các công cụ như tiêu chuẩn ISO 14064 hay Nghị định thư khí nhà kính của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững để kiểm kê, tính toán, quản lý và báo cáo phát thải khí nhà kính.
Nếu khách hàng, nhà sản xuất và nhà hoạch định chính sách đều nghĩ giảm thiểu các-bon và thân thiện khí hậu, phát thải các-bon sẽ giảm thiểu đáng kể. Dấu vết các-bon có thể giảm thiểu thông qua các hoạt động như khuyến khích sử dụng xe ô tô thuê hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chuyển sang năng lượng giảm phát thải khí các-bon, than phát thải gấp hai lần khí gas, 6 lần năng lượng mặt trời, 40 lần năng lượng gió và 200 lần năng lượng từ hydro. Các chương trình “lựa chọn xanh” đang phát triển và là động cơ thúc đẩy nguồn cung cấp năng lượng tái tạo.
Thị trường sản phẩm và dịch vụ thân thiện khí hậu đang phát triển nhanh chóng, từ các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đến các hệ thống năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận “thiết kế nhằm phát triển bền vững”, bao gồm các khâu từ thiết kế đến sản xuất thân thiện môi trường. Cách tiếp cận mới này xem xét các yếu tố môi trường ở tất cả các giai đoạn nhằm tạo ra sản phẩm giảm tối đa tác động đến môi trường. Thiết kế sinh học là một chiến lược quan trọng cho công ty cỡ nhỏ và vừa ở các nước phát triển và đang phát triển nhằm cải thiện chất lượng môi trường của các sản phẩm, giảm thiểu chất thải và cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường.
Thị trường sản phẩm và dịch vụ xanh đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia. Theo thống kê cho thấy, nhiều khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm xanh nếu được lựa chọn. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm xanh chưa được phát triển do thông tin về sản phẩm xanh chưa được phổ biến rộng rãi và độ tin cậy về sản phẩm vẫn chưa cao.
Theo số liệu quan trắc, Việt Nam trong khoảng 70 năm qua, nhiệt độ không khí trung bình năm đã tăng khoảng 0,700C. Hạn hán có xu hướng mở rộng ở hầu hết các vùng, đặc biệt là Nam Trung Bộ.
Bởi vậy, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà chính là vấn đề phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về lồng ghép nội dung Chương trình vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhằm đẩy mạnh việc liên kết giữa các ngành để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày Môi trường thế giới năm nay là một cơ hội để chúng ta một lần nữa kêu gọi và hành động nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và cùng nhau đối đầu với thách thức của biến đổi khí hậu, nhằm tạo ra một ngôi nhà chung trong lành.
NGA PHƯƠNG