(Tiếp theo và hết)

 Đại tá, TS HÀ MINH PHƯƠNG, Phó chủ nhiệm Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị: Lương sĩ quan quân đội cao hay thấp?

Đọc bài viết của tác giả Đỗ Phú Thọ đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 21-11-2021 với nhan đề “Góc khuất của gia đình quân nhân”, cá nhân tôi không tránh khỏi những suy nghĩ vừa vui, vừa buồn.

Vui, bởi hiện nay, tôi đang công tác tại một nhà trường chính quy, hiện đại của quân đội, đóng quân trên địa bàn Hà Nội. Tôi được sống, được cống hiến bằng kiến thức, khả năng của mình cho đất nước, cho quân đội. Bên cạnh đó, hằng ngày tôi có thời gian, điều kiện để chăm sóc gia đình. Với đồng lương của một sĩ quan cấp đại tá trong quân đội, vấn đề cơm áo gạo tiền đã vơi bớt, nhưng sống giữa Thủ đô vẫn không khỏi có những phút giây chạnh lòng khi nhìn ra xung quanh...

Lễ khánh thành và bàn giao “Nhà đồng đội” năm 2021 tặng gia đình Đại úy Vi Ngọc Quỳ, nhân viên vũ trang Đồn Biên phòng Tri Lễ, Nghệ An.

Cũng như đại đa số sĩ quan quân đội, thu nhập chính của tôi phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương. Với mức lương như tôi (thuộc loại cao trong khối nhà trường quân đội), thì ước mơ một căn nhà của riêng mình tại Thủ đô vẫn là thứ xa xỉ, nếu không có sự trợ giúp từ gia đình, người thân. Còn những ngày nghỉ, ngày lễ, ngày cuối tuần, hạnh phúc lớn nhất chỉ là bữa cơm bên gia đình, chứ không dám nghĩ đến chuyện đi du lịch, ăn nhà hàng... Tuy nhiên, so với đa số đồng đội của tôi, đó vẫn là điều hạnh phúc mà nhiều đồng chí phấn đấu cả đời binh nghiệp chưa chắc có được.

Đọc bài viết, tôi cũng buồn, bởi thực trạng hiện nay ở các đơn vị, đặc biệt là đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, các sĩ quan trẻ, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân viên quốc phòng có cuộc sống rất khó khăn. Hơn 20 năm làm công tác giảng dạy trong trường quân đội, tôi đã nhiều lần được đi thực tế ở các đơn vị và nghe các học viên tâm sự, tôi thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ sĩ quan ở các đơn vị cơ sở, nhất là cán bộ cấp tiểu đoàn trở xuống. Với họ, 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần họ đều bám nắm đơn vị. Nhiều người nói bộ đội chúng tôi lương cao, nhưng tất cả thu nhập của chúng tôi chỉ trông vào đồng lương. Đồng chí nào đóng quân xa gia đình, bố mẹ hai bên không có điều kiện giúp đỡ, thì lại càng khó khăn. Cấp đại úy lương hơn 10 triệu đồng, trừ tiền ăn gần 2 triệu đồng, gửi tiền về giúp bố mẹ, vợ con, hiếu hỉ... Nếu không có việc gì đột xuất, mỗi tháng gửi cho vợ con từ 2 đến 3 triệu đồng, còn tháng nào nhiều việc, hoặc khi bố mẹ ốm đau thì không có tiền gửi về cho vợ con cũng là... bình thường. Không chỉ vậy, đối với đội ngũ sĩ quan trẻ này, mong muốn hằng ngày được về ăn cơm với vợ con là điều quá xa xỉ.

Thực trạng đó dẫn đến việc, nhiều đồng chí không giữ được hạnh phúc gia đình, hoặc "ế vợ" là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, như tác giả bài viết đề nghị, rất cần một chính sách để tháo gỡ vướng mắc đó cho đội ngũ sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ trong quân đội-những con người dũng cảm đã coi binh nghiệp (một nghề lao động đặc biệt) là sự lựa chọn của mình.

Ths PHẠM THỊ THU HÀ, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội: Nỗi niềm vợ sĩ quan quân đội

Trước hết, tôi xin khẳng định, gia đình tôi không có khó khăn về kinh tế vì chồng là sĩ quan cấp tá trong quân đội, vợ là công chức nhà nước với hệ số lương khá cao. Hai con tôi đều ngoan và học giỏi. Tôi luôn tự hào, hãnh diện với cơ quan bởi chồng tôi to cao, đẹp trai, tác phong chững chạc, thương yêu gia đình và luôn hòa đồng với mọi người.

Thế nhưng, do tính chất nhiệm vụ mà anh thường xuyên đi công tác xa nhà. Có những chuyến công tác kéo dài hàng năm. Việc dạy dỗ con cái, chăm lo gia đình nội, ngoại, một mình tôi phải gánh vác. Tháng trước, con gái út tôi bị ốm, phải nhập viện. Chồng tôi đi công tác không về được và do dịch Covid-19 nên bệnh viện chỉ cho một mình tôi vào chăm cháu. Tôi vừa thương cháu bé bị ốm, vừa lo cháu lớn ở nhà một mình. Đêm trong bệnh viện, tôi chỉ dám khóc thầm, sợ con biết sẽ buồn... Rất may là anh chị em trong cơ quan đã giúp đỡ cháu lớn và gánh vác công việc giúp tôi.

Lấy nhau đã hơn chục năm, vậy mà những dịp kỷ niệm của gia đình, sinh nhật vợ con, chồng tôi hiếm khi có mặt. Tôi rất thông cảm cho công việc của anh, nhưng nhiều lúc cũng không khỏi chạnh lòng. Tôi rất muốn sau bài báo này, các cơ quan chức năng của Nhà nước và quân đội nghiên cứu, ban hành thêm chính sách với cán bộ quân đội làm nhiệm vụ thường xuyên xa gia đình, ví dụ như: Chính sách luân chuyển cán bộ, chính sách nghỉ phép, nghỉ tranh thủ... để cán bộ quân đội yên tâm công tác và vợ con của họ cũng không cảm thấy quá thiệt thòi khi so sánh với các ngành nghề khác.

NGUYỄN VĂN THUẬT, email: thuatbich@gmail.com: Để thu hút được người tài vào quân đội

Bài viết “Góc khuất của gia đình quân nhân” đăng trên Báo Quân đội nhân dân rất hay và lay động lòng người. Tôi là quân nhân thuộc một đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4 nên rất thấu hiểu điều này. Mong rằng bài viết sẽ được lan tỏa và thay lời muốn nói của hàng nghìn, hàng vạn quân nhân đang ngày đêm thầm lặng hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi mà không phải ai cũng thấu hiểu và sẻ chia.

Bản thân tôi là một sĩ quan được đào tạo chính quy trong quân đội, đã có 26 năm công tác và 23 năm tuổi Đảng, kinh qua nhiều đơn vị và các cấp cơ sở, chứng kiến nhiều hoàn cảnh và nỗi khổ của những quân nhân đã nghèo về vật chất, lại khó khăn về thời gian. Nhiều sĩ quan, QNCN đóng quân ở phía Nam có gia đình ngoài miền Bắc, hoặc miền Trung, đều phải sống xa gia đình. Nếu họ lấy vợ ở gần nơi đơn vị đóng quân đều phải thuê nhà trọ, con nhỏ không gửi được người thân vì nội, ngoại đều ở xa...

Hiện nay, ở đơn vị của tôi, nhiều cán bộ sĩ quan, QNCN trẻ xin ra quân, mà một trong những lý do chủ yếu là áp lực từ gia đình, người thân. Tôi thiết nghĩ, bài báo này cần được lan tỏa đến các cơ quan chức năng của Nhà nước để các cơ quan này nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, quan tâm hơn nữa đến quân đội và hậu phương quân đội để thu hút, giữ chân người tài trong quân đội.