Đại tá, TS BÙI QUANG HUY, giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị:
Còn nhiều quân nhân có hoàn cảnh khó khăn
Là một sĩ quan công tác trong môi trường quân ngũ đã hơn 30 năm, tôi thực sự xúc động khi đọc được bài viết “Góc khuất của gia đình quân nhân” của tác giả Đỗ Phú Thọ đăng trên Báo QĐND ngày 21-11-2021. Tác giả bài viết đã phản ánh chân thực những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của quân nhân, gia đình quân nhân trong thời bình. Mặc dù dung lượng bài viết không dài nhưng đã chạm đến trái tim của người đọc, bởi lẽ đó là những hy sinh thầm lặng của bộ đội mà họ không thể nói bằng lời và không phải ai cũng biết, cũng hiểu và chia sẻ.
 |
Đại diện Ban CHQS huyện Đắk Mil (Đắk Nông) trao tiền ủng hộ tới gia đình anh Y Bi Al, quân nhân dự bị Tiểu đoàn 612. Ảnh: VŨ DUY AN. |
Tôi có anh bạn cùng học sĩ quan. Ra trường, bạn tôi về công tác ở một đơn vị gần biên giới, vợ là giáo viên, sau gần 30 năm công tác xa gia đình, mới đây, anh được chuyển về gần nhà. Niềm vui đoàn tụ gia đình chưa được bao lâu thì vợ anh trong đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ nhận được tin sét đánh, bác sĩ kết luận chị bị ung thư vòm họng giai đoạn 2.
Không những thế, anh chị có đứa con trai duy nhất, năm nay học lớp 12. Tính cháu hiếu động, khi còn nhỏ được ông bà chiều chuộng, bố xa nhà không có điều kiện dạy dỗ, nay cháu theo các bạn hư thường xuyên trốn học, chơi điện tử, tham gia cá độ... Khi biết chuyện, anh chị tìm mọi cách khuyên nhủ, nhưng đâu lại vào đấy. Một lần cháu trộm tiền, vì không kiềm chế được bản thân, anh đã nặng lời và cháu bỏ nhà ra đi rồi gặp tai nạn... Gặp nhau, anh ôm chầm lấy tôi bật khóc: “Tôi mất tất cả rồi, bạn ơi!”.
Tôi là một giảng viên, được tiếp xúc với nhiều học viên ở mỗi cấp học, mỗi người lại có những hoàn cảnh khác nhau. Tôi từng chứng kiến mối tình đẹp giữa anh chàng học viên sĩ quan với một nữ sinh viên đại học y, sau 5 năm yêu nhau, ra trường em được điều động về công tác ở đơn vị chủ lực, bạn gái tốt nghiệp, nhận công tác ở bệnh viện huyện. Họ kết hôn và có một cháu gái.
Mới đây, em về đào tạo thạc sĩ, em nói với tôi: “Vợ em bỏ em rồi, thầy ơi!”. Hỏi ra mới biết, do điều kiện xa gia đình, công tác ở đơn vị huấn luyện SSCĐ, thường xuyên phải trực, nhất là những ngày nghỉ lễ, tết... có thời điểm 3 tháng, 6 tháng em mới có dịp về thăm gia đình. Mỗi lần con ốm đau nằm viện, sinh nhật vợ... đều không có mặt. Trước những áp lực công việc và các mối quan hệ, vợ chồng ngày một xa nhau...
Tôi cũng đã từng công tác cùng một đồng chí là quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) tuổi đời còn rất trẻ, là lái xe trong đơn vị. Hai vợ chồng mới cưới được hơn hai năm và có một cô con gái rất xinh xắn. Đúng thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch, đồng chí cũng như bao đồng đội khác trong đơn vị là lực lượng tăng cường tham gia cùng địa phương phòng, chống dịch Covid-19.
Đã gần một năm xa gia đình, với niềm mong mỏi dịch qua đi, anh sẽ lại được nghỉ phép về thăm mẹ và vợ con. Nhưng cuộc điện thoại của mẹ như một tin sét đánh thông báo, vợ và con của đồng chí đã bỏ về nhà bố mẹ vợ và chờ đồng chí về làm thủ tục ly hôn vì không chịu được cảnh chồng cứ xa nhà biền biệt, không có ai đỡ đần, chăm sóc...
Là người con, người chồng, người cha, hơn ai hết, những quân nhân cũng luôn mong mỏi có điều kiện thời gian để gần gũi, quan tâm, chăm sóc gia đình. Song, do yêu cầu nhiệm vụ, họ thường xuyên phải bám nắm đơn vị, công tác xa nhà, ít có thời gian dành cho gia đình, gánh nặng kinh tế, trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc bố mẹ lại đặt lên vai những người vợ bộ đội.
Sự cảm thông, chia sẻ của những người vợ là động lực lớn nhất để giúp họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng không phải người vợ nào cũng có thể vượt qua được... Thiết nghĩ, trong thời chiến hay thời bình, bộ đội và gia đình bộ đội đều phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Những hy sinh thầm lặng của họ khó có thể nói hết được.
Thông qua bài viết “Góc khuất của gia đình quân nhân” và những gì được biết, tôi mong rằng các cơ quan chức năng của Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các chính sách hợp lý đối với quân nhân và gia đình quân nhân. Các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với sĩ quan trẻ, QNCN ở đơn vị cơ sở.
------------
Thượng tá NGUYỄN ANH TẤN, Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Hóa học:
Chỉ động viên là chưa đủ
Bài báo “Góc khuất của gia đình quân nhân” đã phần nào cho chúng ta thấy được một phần sự thật gia đình sĩ quan quân đội. Thế nhưng, trong quân đội còn nhiều đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, như đội ngũ QNCN, công nhân viên quốc phòng, nhất là nhân viên lái xe đặc chủng, thợ sửa chữa... chưa được thụ hưởng chế độ, chính sách về đất ở, nhà ở (phải đi thuê nhà). Cùng với đó, con còn nhỏ, đang độ tuổi đi học. Yếu tố xa nhà, hàng tháng, hàng quý mới có dịp về thăm gia đình trong khoảng thời gian ngắn, do vậy, việc nuôi dạy con cái cũng gặp nhiều khó khăn, không thể được thường xuyên và trọn vẹn.
Binh chủng Hóa học là đơn vị đặc thù, đóng quân trên cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam), điều kiện hoạt động và làm việc của quân nhân trong môi trường khắc nghiệt. Những khó khăn chủ yếu đối với gia đình quân nhân, nhất là đối với gia đình cán bộ trẻ trong binh chủng đó là: Thu nhập thấp, vợ hoặc chồng không có công ăn việc làm ổn định; chưa được thụ hưởng chính sách đất ở, nhà ở; công tác xa gia đình; vô sinh, hiếm muộn...
Những năm qua, Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh Hóa học luôn thấu hiểu, sẻ chia với những điều kiện khó khăn của gia đình quân nhân; đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong binh chủng thường xuyên nắm chắc và xử lý tốt tình hình tư tưởng của quân nhân trong đơn vị, nhất là những quân nhân trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt làm tốt công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và tập thể quân nhân trong nắm tình hình, kịp thời động viên, giúp đỡ, chăm lo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi quân nhân, nhất là quân nhân trẻ phấn đấu vươn lên.
Thực hiện tốt phương châm: “Không để đồng đội bị bỏ lại phía sau” với những biện pháp, cách làm đồng bộ trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Hóa học luôn yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm (xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, tham gia phòng, chống dịch Covid-19...). Qua đó, hình ảnh bộ đội hóa học luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Để đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, QNCN, công nhân viên quốc phòng trong quân đội thật sự yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ thì việc động viên là rất quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, việc động viên vẫn chưa đủ, cần phải có thêm các biện pháp khác, như cụ thể hóa công tác chính sách trong các luật: Sĩ quan QĐND Việt Nam; QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng; Nghĩa vụ quân sự... nhất là các chế độ về nhà ở, đất ở, tiền lương, nghỉ phép, trợ cấp... để tích cực góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
-------------
Thượng tá TRẦN HỮU DŨNG, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội:
Cần có cái nhìn từ hai phía
Bài viết "Góc khuất của gia đình quân nhân" phản ánh sát thực những điều tưởng chừng như không thể xảy ra với gia đình những cán bộ, sĩ quan trẻ. Bởi họ được lựa chọn, được rèn luyện, được đào tạo kỹ lưỡng, được mang danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ thì người vợ nào chẳng hãnh diện và sẽ luôn chung thủy, một lòng một dạ yêu chồng, thương con.
Nhưng với tôi, đã từng gắn bó gần 15 năm ở đơn vị cơ sở, trực SSCĐ, địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa rất thấu hiểu điều này. Có những đồng chí một năm mới được gặp vợ con đôi lần, những lúc cần sự gánh vác, sẻ chia trách nhiệm cũng rất khó hoàn thành vì nhiệm vụ, công tác, do đó sự bù đắp sao tính được.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, theo tôi cần có cái nhìn từ hai phía. Thứ nhất, cần sự quan tâm sâu sát hỗ trợ của các cấp để động viên, bồi dưỡng kỹ năng và đãi ngộ thêm về vật chất. Bộ đội đã thiệt thòi về thời gian dành cho gia đình, vợ con, thu nhập lại còn khiêm tốn...
Thứ hai, đây mới là điều quan trọng, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ hậu phương và các tổ chức ngoài quân đội, nhất là vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Chúng ta đều biết, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực từ việc gia đình, việc cơ quan, xã hội nên nhu cầu, tư duy về cuộc sống cũng có nhiều thay đổi.
Một số người không nhẫn nại, chờ đợi như các bà, các mẹ ngày xưa nữa, họ cần những cái thiết thực, thậm chí có người còn quá coi trọng vật chất và quá đề cao cái tôi. Do đó, chúng ta hãy cùng nhau có những việc làm để khơi dậy những phẩm chất cao quý, sự tự tin, đề cao trách nhiệm và niềm vinh dự, tự hào là vợ bộ đội. Địa phương và các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ những gia đình quân nhân khó khăn, tôn vinh những gia đình quân nhân hạnh phúc và con cái thành đạt.
(còn nữa)