QĐND - Hiện nay, vấn đề hiếm muộn đang có tỷ lệ ngày càng tăng cao và phức tạp hơn. Tại nước ta, có khoảng 8% số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nếu không có sự can thiệp y tế, tỷ lệ gia đình quân nhân hiếm muộn cũng đang có xu hướng tăng lên.

Theo kết quả tiến hành điều tra, khảo sát tình hình vô sinh, hiếm muộn trong quân đội của Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em/Bộ Quốc phòng (UB DS-GĐ-TE/BQP) năm 2012, kết quả cho thấy, hiện có gần 1.500 gia đình quân nhân hiếm muộn. Trước tình hình đó, cuối năm 2012, UBDS-GĐ-TE/BQP đã phối hợp với Học viện Quân y tổ chức hội thảo chuyên đề “Dân số và Hỗ trợ sinh sản gia đình quân nhân hiếm muộn” với sự tham gia của các nhà khoa học về mô phôi, sản phụ khoa, lãnh đạo Cục Quân y, Học viện Quân y và đại diện chỉ huy các đơn vị có nhiều gia đình quân nhân hiếm muộn. Tại hội thảo, PGS,TS Đại tá Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) cho biết, tình trạng hiếm muộn, vô sinh trở nên phức tạp bởi không ít gia đình quân nhân ái ngại, giấu giếm và không có sự tìm hiểu, đề nghị can thiệp, hỗ trợ kịp thời để khắc phục hoàn cảnh hiếm muộn của mình. Sự nhận thức chưa đầy đủ của người hiếm muộn về điều trị vô sinh cùng với gánh nặng tâm lý cũng là một nguyên nhân gây khó khăn, căng thẳng trong điều trị vô sinh.

Ảnh minh hoạ: qđnd.vn

Sau khi có kết quả điều tra và tổ chức hội thảo về gia đình quân nhân hiếm muộn, UB DS-GĐ-TE/BQP đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị về việc giúp đỡ các gia đình quân nhân hiếm muộn, bởi con cái luôn là tài sản vô giá của mọi cặp vợ chồng. Thực hiện sự chỉ đạo này, Bộ Tư lệnh  Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tổ chức gặp mặt các gia đình quân nhân hiếm muộn trong BĐBP nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh chị em, động viên thăm hỏi và quyết định những vấn đề thiết yếu giúp cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp BĐBP hiếm muộn có những điều kiện tốt nhất thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ.

Đại tá Nguyễn Trung Long, Chủ nhiệm Quân y Bộ tư lệnh BĐBP cho biết, các đồn biên phòng đóng quân chủ yếu ở biên giới và hải đảo xa xôi, những nơi khó khăn gian khổ, thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, có nơi trong vùng phóng xạ hay hóa chất, tiện nghi sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế... Hiện tại, toàn lực lượng BĐBP có 299 gia đình quân nhân vô sinh, hiếm muộn. GS Trần Quán Anh, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam và PGS Quản Hoàng Lâm đến phổ biến kiến thức về các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng vô sinh cho các trường hợp hiếm muộn. Các chuyên gia đã lắng nghe sự giãi bày của bộ đội, giải đáp những chứng bệnh khó nói, hóa giải chứng vô sinh ám ảnh bấy lâu. Sau buổi nói chuyện, nhiều đồng chí đã chất chứa trong lòng bao hy vọng. Khó khăn lớn nhất của BĐBP là điều kiện công tác xa, ít có thời gian sống cùng gia đình và kinh phí điều trị cao (trung bình 1 ca thụ tinh trong ống nghiệm phải chi phí khoảng 40-50 triệu đồng nhưng tỷ lệ thành công chưa như mong muốn); đa số các đồng chí hiếm muộn có thu nhập thấp (quân hàm thấp), gia đình khó khăn, nhiều đồng chí khi đi điều trị hỗ trợ sinh sản đã phải vay nợ, trong khi đó ở nước ta thuốc điều trị vô sinh lại chưa nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Các đồng chí hiếm muộn đều mong muốn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp tạo thuận lợi để tháo gỡ những khó khăn về thời gian cũng như kinh tế, để được cùng vợ (chồng) đi điều trị bệnh vô sinh, hiếm muộn một cách bài bản, dài ngày ở Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) hoặc các cơ sở y tế lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP cho biết, Bộ tư lệnh BĐBP sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, giúp đỡ các đồng chí hiếm muộn có thời gian, kinh phí để cùng vợ (chồng) đi chữa bệnh. Đồng chí Tư lệnh cũng chỉ thị cho các cơ quan chức năng thuộc Bộ tư lệnh: Không điều động các đồng chí thuộc diện hiếm muộn đi công tác ở các đơn vị xa nhà, điều chuyển ngay các đồng chí đang công tác xa về đơn vị gần gia đình; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh BĐBP sắp xếp bố trí cho các đồng chí hiếm muộn được nghỉ phép dài ngày (6 tháng, thậm chí 1 năm) để có thời gian đi chữa bệnh tại các trung tâm lớn ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan hành chính-hậu cần thuộc Bộ Tham mưu ở hai thành phố này bảo đảm chỗ ở miễn phí, quân y có trách nhiệm liên hệ các cơ sở điều trị kỹ thuật cao cho các đồng chí hiếm muộn. Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh (thành phố) cùng toàn lực lượng biên phòng thành lập quỹ hỗ trợ các gia đình hiếm muộn, trong đó có việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay giúp đỡ các gia đình hiếm muộn có điều kiện kinh phí để điều trị.

Ước mơ làm cha, làm mẹ của mọi cặp vợ chồng đều cháy bỏng và cao đẹp. Vì vậy, việc làm của Bộ tư lệnh BĐBP đối với các gia đình quân nhân hiếm muộn trong BĐBP có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc.

Đại tá, BSCKII NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HỒNG