Trong một thời gian dài, từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 vừa rồi, hàng trăm người dân từ một số tỉnh phía Nam đã tập trung về Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại, tố cáo những vấn đề liên quan đến đất đai, gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc đã tạm thời lắng xuống khi tất cả những người đi khiếu tố đã trở về địa phương. Song, để giải quyết cơ bản vấn đề này, vẫn cần những giải pháp đồng bộ mà phương châm hàng đầu là phải theo đúng pháp luật, đồng thời tôn trọng dân, lắng nghe dân và bảo vệ lợi ích hợp pháp của dân. Đó là tư tưởng chỉ đạo mà Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nêu rõ trong bài trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt
Nam. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 |
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ảnh Internet |
* - Thưa Phó thủ tướng, gần đây nhiều người dân từ một số tỉnh phía Nam đã tập trung dài ngày trước trụ sở cơ quan Nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến đất đai, gây bức xúc trong dư luận. Phó thủ tướng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
* Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Thời gian gần đây, tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bà con từ một số tỉnh phía Nam đã về thành phố, tập trung trước trụ sở cơ quan Nhà nước Trung ương để khiếu nại, tố cáo, chủ yếu về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trước hết, cần khẳng định rằng người dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Quyền này được quy định trong Hiến pháp (năm 1992) và Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998) của Nhà nước ta. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được pháp luật quy định là cơ sở pháp lý cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ và giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Như vậy, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng phải thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.
Quả thật, tình trạng tập trung đông người khiếu nại, tố cáo vượt cấp vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và là hình ảnh không đẹp trước mắt bạn bè quốc tế.
Về phía người dân đi khiếu nại, tố cáo, họ cũng rất cực, rất vất vả. Không phải vì bà con có ý xấu muốn chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đại đa số dân ta rất tốt. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều là vì dân. “Dân vi bản” (dân là gốc) cơ mà! Cực chẳng đã, chỉ vì quá bức xúc nên người dân mới phải đội nắng, đội mưa đi khiếu nại, tố cáo như thế này!
Trong những người tham gia khiếu kiện, có những người khiếu tố đúng, mong muốn được pháp luật giải quyết công minh; nhưng cũng có một số người mặc dù tranh chấp liên quan đến mình đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đúng pháp luật, nhưng hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì cố chấp mà vẫn cố tình khiếu nại kéo dài; một số phần tử quá khích thậm chí coi thường pháp luật, ngang nhiên thách đố, xâm phạm trụ sở cơ quan công quyền, xúc phạm, đe dọa những người thi hành công vụ. Một số kẻ xấu, trong đó có cả những phần tử có tiền án, tiền sự không chịu hối cải, lợi dụng khiếu tố để cò mồi, kích động nhằm “đục nước béo cò” tìm kiếm lợi ích riêng; một số ít đối tượng cơ hội chính trị cũng nhân dịp này tìm mọi cách kích động gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáng tiếc là một số bà con mình đã nhẹ dạ để bọn xấu lôi kéo, tham gia vào những hành động sai trái này.
Dẫu sao, vụ việc cũng đã tạm thời được giải quyết một cách yên bình. Những người đi khiếu nại, tố cáo đã trở về các địa phương. Không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Nghĩ cho cùng, dân mình vẫn tốt lắm chứ. Nhưng như vậy không có nghĩa là đã giải quyết được vấn đề. Muốn giải quyết được căn bản vấn đề cực kỳ nhạy cảm và phức tạp này, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, áp dụng đồng bộ, nhất quán nhiều giải pháp, với phương châm hàng đầu là phải theo đúng pháp luật, đồng thời tôn trọng dân, lắng nghe dân và bảo vệ lợi ích hợp pháp của dân. Còn khi giải quyết cụ thể từng vụ việc, thì phải tìm cho ra nguyên nhân để có biện pháp thích hợp. Muốn trị được bệnh, phải biết bắt mạch để tìm ra đúng căn nguyên của bệnh và bốc đúng thuốc.
* - Vậy đâu là căn nguyên của tình trạng người dân ở nhiều địa phương tập trung về các thành phố lớn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, thưa Phó thủ tướng?
* Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Tranh chấp dân sự và khiếu kiện của dân là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chính sách, luật pháp chưa hoàn chỉnh; trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, một số ít cán bộ hoặc cấp ủy và chính quyền các cấp có những khuyết điểm, sai phạm (quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giải quyết một số vụ việc chưa đúng chính sách, luật pháp, chưa thỏa đáng, công bằng, minh bạch v.v.). Việc xử lý những cán bộ mắc khuyết điểm, sai phạm như vậy lại không nghiêm và cũng không minh, khiến dân càng bức xúc. Nhưng, nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện vượt cấp, đông người... là do một số ít cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của dân; giải quyết nhiều vụ việc chậm và có những việc quá chậm, chưa nghiêm túc, thấu đáo, chưa đúng chính sách, pháp luật, tức là tình cũng chưa thấu mà lý cũng chưa đạt, làm cho dân bất bình, giảm lòng tin vào lãnh đạo địa phương và cơ quan công quyền; chưa làm tốt việc tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc khiếu tố một cách có trật tự, đúng chỗ, đúng pháp luật; chưa phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi kích động, xúi giục của bọn xấu, chưa kiên quyết xử lý, trừng trị những kẻ cố tình gây rối, coi thường và chống đối pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, đặc biệt là những trường hợp khiếu tố liên quan đến đất đai, là cực kỳ phức tạp, cực kỳ khó. Tôi biết là ở nhiều địa phương, các đồng chí có trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền cũng đã hết sức cố gắng giải quyết tại chỗ, song không thể giải quyết thỏa đáng mọi trường hợp. Các đồng chí ở địa phương rất vất vả và nhiều đồng chí cũng lao tâm, khổ tứ khi phải đứng ra giải quyết các vụ khiếu kiện như thế này mà kết quả không được như mong muốn. Phải thông cảm và chia sẻ khó khăn với anh em. Trong việc giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp vừa rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ các cơ quan chức năng của thành phố cũng như các địa phương đã rất cố gắng, bỏ cả ngày nghỉ để tập trung giải quyết, thuyết phục bà con trở về địa phương. Phải có tinh thần trách nhiệm rất cao mới làm được như thế.
* - Thưa Phó thủ tướng, như vậy cần có những chủ trương, giải pháp gì để có thể giải quyết căn bản tình trạng khiếu nại, tố cáo tập trung đông người ở các thành phố lớn?
* Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Trước hết, cần hiểu rằng khiếu nại và tố cáo là hoạt động bình thường trong đời sống dân sự. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo.
Trong thực tế, rất nhiều người dân, bị bức xúc vì nguyên nhân này, nguyên nhân khác, kéo đi khiếu nại, tố cáo, nhưng không biết phải thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo như thế nào cho đúng với quy định của pháp luật.
Như vậy, điều quan trọng là các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và làm theo pháp luật. Khiếu nại, tố cáo cũng phải làm theo đúng quy định của pháp luật.
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp ở địa phương, đặc biệt là các đồng chí phụ trách công tác tiếp dân, phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kiên trì thuyết phục để công dân không khiếu tố vượt cấp, gây mất trật tự nơi công sở, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thường vụ cấp ủy các cấp, trước hết là đồng chí Bí thư phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tất cả các cấp ủy, nhất là cấp ủy ở những nơi đang có khiếu kiện phức tạp, phải phân tích, đánh giá tình hình khiếu kiện của dân, xem việc nào đúng, việc nào sai; rà soát các vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, bàn kế hoạch chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất. Chính quyền các cấp ở địa phương, nhất là các đồng chí Chủ tịch UBND, phải trực tiếp giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo ở địa phương mình theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Những vụ việc còn phải chờ chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, chưa thể giải quyết sớm thì trả lời công khai cho dân biết.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy và chính quyền địa phương cần phân công nhau, bố trí lịch tiếp dân theo quy định của pháp luật, trực tiếp đối thoại với dân, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc đặc biệt phức tạp, kéo dài.
Các vụ việc đã có quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện ngay, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm gây chậm trễ hoặc né tránh việc giải quyết. Trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau thì bàn thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để có kết luận giải quyết dứt điểm. Việc nào khó, ngoài khả năng giải quyết thì xin ý kiến cấp trên.
Cần làm rõ các nguyên nhân phát sinh khiếu tố để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo và quản lý. Cán bộ, đảng viên có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong số các giải pháp nêu trên, theo tôi, đối thoại với dân là cực kỳ quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp ủy và chính quyền địa phương phải trực tiếp đối thoại với dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân. Có tôn trọng dân và bình tĩnh lắng nghe ý kiến của dân thì mới hiểu được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân, thấu hiểu được những bức xúc, thiệt thòi của họ. Dân ta còn nghèo, còn cực lắm. Giải quyết mọi vấn đề đành rằng phải căn cứ vào pháp luật, nhưng phải thương dân, có trách nhiệm với dân. Nhà nước ta là Nhà nước do dân và vì dân cơ mà! Có làm được như vậy mới có căn cứ để xem xét, giải quyết các kiến nghị của dân, vừa thấu tình, vừa đạt lý. Tôi có thời gian công tác ở Ủy ban Kiểm tra Đảng, kinh nghiệm của tôi là khi xem xét các đơn khiếu nại tố cáo thì điều quan trọng là nội dung khiếu nại tố cáo, chứ không phải ai khiếu nại, tố cáo. Cho nên, khi xem xét, giải quyết các trường hợp khiếu tố, không nên truy xét xem ai khiếu nại, tố cáo hoặc ai cầm đầu các vụ khiếu nại, tố cáo mà quan trọng là phải nghiên cứu kỹ nội dung khiếu tố đúng hay sai. Nếu dân khiếu nại, tố cáo đúng thì phải cương quyết giải quyết, mà phải giải quyết kịp thời; nếu không đúng thì phải kiên trì giải thích, phân tích cho dân hiểu.
Nếu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của chúng ta ở các địa phương cùng đồng tâm, hiệp sức giải quyết thật tốt các trường hợp khiếu nại, tố cáo theo tinh thần trên, thì chắc chắn sẽ góp phần ngăn ngừa hoặc chí ít cũng làm giảm đáng kể các vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp không đúng quy định của pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Phó thủ tướng.
NGUYỄN QUỐC UY (thực hiện)