QĐND - Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thiếu phương tiện đi lại, suy nghĩ học rồi cũng không giúp ích được gì… là những nguyên nhân, lý do dẫn đến việc nhiều học sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bỏ học sớm. Tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng cho dù các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ được tổ chức tại Cà Mau trong tháng 3 vừa qua cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học của toàn khu vực ĐBSCL tăng, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể, năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh bỏ học toàn vùng là 1,97%, bình quân chung của cả nước là 1,08%. Đến năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh bỏ học toàn vùng lên đến 2%, trong khi bình quân chung của cả nước là 0,96%. Các tỉnh có đông học sinh bỏ học là Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu… Tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học 2010-2011 này chưa được thống kê nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đã có nhiều học sinh khu vực ĐBSCL bỏ trường đi mưu sinh trong độ tuổi còn rất nhỏ.

Nhiều học sinh ở vùng núi Tri Tôn, tỉnh An Giang bỏ học đi vác củi thuê.

Trường trung học phổ thông (THPT) Tam Bình, huyện Tam Bình là một trường vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long. Hằng năm, số học sinh bỏ học của trường đều chiếm tỷ lệ cao, đến cuối học kỳ 1 (năm học 2010-2011), học sinh bỏ học của trường là 7,68%, cao nhất tỉnh.

Ông Hồ Trọng Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Bình, cho biết:

- Đa số học sinh bỏ học là những em học yếu, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hiện, nhà trường đang cố gắng khắc phục, luôn giữ mối liên hệ với gia đình học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà tìm hiểu, động viên các em trở lại lớp nếu nghỉ không xin phép 2 ngày.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long thì học kỳ 1 (năm học 2010-2011) trên toàn tỉnh tỷ lệ học sinh bỏ học ở tất cả các bậc học vẫn còn cao, cao nhất là bậc THPT, trên 5%. Cụ thể như THPT Tam Bình 7,68%, THPT Vĩnh Long 6,92%, THPT Phú Quới 6,40%, THPT Hòa Ninh 6,35%, THPT Nguyễn Văn Thiệt 6,31%…

Tại tỉnh Cà Mau, những năm qua, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học như hỗ trợ tiền đò, xây dựng cầu, đường,… Đồng thời, các nhà trường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương giúp đỡ động viên các em cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng tình trạng bỏ học vẫn còn xảy ra với số đông. Đến cuối học kỳ 1 (năm học 2010-2011), toàn tỉnh có 1.942 học sinh các cấp bỏ học, trong đó, đứng đầu là cấp trung học cơ sở 849 học sinh, tiểu học 557 học sinh và trung học phổ thông là 536 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Phước, ngụ tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), tâm sự:

- Gia đình tôi có một con trai đang học lớp 10 tại Trường THPT Trần Văn Thời. Mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng cho con đi học. Nào ngờ nó không đi học mà chỉ đến gần trường để chơi, đến hết giờ thì về. Thấy vậy, tôi la mắng thì nó bỏ nhà đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn một tháng nay.

Còn ở Sóc Trăng, đến cuối học kỳ 1, đã có 122 học sinh tiểu học, 975 học sinh trung học cơ sở, 558 học sinh THPT bỏ học. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết phần lớn số học sinh của tỉnh Sóc Trăng bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Các em bỏ học sớm, theo người lớn đi làm thuê kiếm tiền. Bên cạnh đó, nhiều em có học lực yếu kém, thua sút bạn bè, bị bạn bè trêu chọc nên chán nản và bỏ học…

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Sơn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết:

- Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Quyết định 112, 101 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã góp phần nâng tỷ lệ học sinh đến trường, giảm tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế do kinh phí hỗ trợ từ cấp trên quá chậm. Do các chính sách chỉ thực hiện đến hết tháng 5-2011 nên việc duy trì sĩ số học sinh trong thời gian tới là hết sức khó khăn. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn đang thực hiện Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) nhưng do mới triển khai thực hiện, hiệu quả chưa cao, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn nhiều, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tỷ lệ học sinh có học lực yếu tăng,…

Thực tế trên cho thấy, tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL còn khá cao. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục ở từng địa phương chưa có sự thống nhất, đồng bộ, nhiều chính sách chưa được triển khai kịp thời hoặc thiếu chính sách; nhiều giáo viên chưa nắm bắt được hết từng hoàn cảnh gia đình học sinh nên không có sự hỗ trợ kịp thời. Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng trên đến mức thấp nhất, đòi hỏi từng gia đình, nhà trường phải có ý thức cao trong việc tạo điều kiện cho con em đi học đến nơi đến chốn; các cấp lãnh đạo phải có nhiều chính sách hơn nữa, chung tay triển khai nhanh và đồng bộ các biện pháp, tạo cho các em một niềm hy vọng khi đến trường, ở đó các em được vui chơi, được học tập.

Bài và ảnh: Huỳnh Văn Xây