Thành quả và truyền thống hào hùng đó là niềm tự hào, động lực để đội ngũ cán bộ của viện hôm nay nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Đáp ứng đòi hỏi của chiến trường

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ lại ký ức của một thời gian khổ, đầy ắp kỷ niệm về lòng nhiệt huyết cách mạng, Thượng tá Nguyễn Duy Lâm, nguyên Bí thư Đảng ủy Viện Kỹ thuật Vũ khí (nay là Viện Tên lửa), một trong những cán bộ đầu tiên của Phòng Nghiên cứu vũ khí và thiết kế vẫn không khỏi bồi hồi. Ông Lâm hồi tưởng: “Tôi còn nhớ rõ cảm giác hồi hộp và xúc động khi tên lửa vác vai A12-sản phẩm do phòng nghiên cứu chế tạo, được bắn trình diễn báo cáo Bộ Chính trị, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương vào ngày 7-4-1966. Khi đó, chúng tôi cứ ôm chặt lấy nhau mà khóc…”.

Cán bộ trẻ của Viện Tên lửa trao đổi về chuyên môn. 
Đầu năm 1965, nhiều căn cứ lớn của giặc Mỹ ở miền Nam được xây dựng. Địch bố trí bảo vệ chặt chẽ bằng hệ thống đồn bốt nhiều tầng lớp, kết hợp với chướng ngại vật và hỏa lực. Lúc bấy giờ, các loại pháo cối của ta có tầm bắn hạn chế, không vượt qua được chiều sâu phòng ngự của địch nên không thể tiến công và giành chiến thắng. Để khắc phục hạn chế này, cấp trên giao nhiệm vụ cho Phòng Nghiên cứu vũ khí và thiết kế chủ trì, phối hợp với Bộ tư lệnh Pháo binh nghiên cứu cải tiến tên lửa BM14 đặt trên xe thành tên lửa vác vai. Sau một năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã hoàn thành việc thiết kế, chế tạo ống phóng, giá đỡ, vòng cản để tách giàn phóng thành những hệ thống riêng rẽ, trang bị cho mỗi tiểu đội 2 cụm, mỗi cụm 6 bệ. A12 được coi là loại vũ khí lý tưởng trong những năm cuối thập niên 1960 vì gọn nhẹ, tiện cơ động, dễ sử dụng, sức công phá tương đối lớn. Ngay trong lần đầu tiên sử dụng tên lửa A12 trong trận phục kích sân bay Đà Nẵng đêm 27-2-1967, bộ đội ta đã giành thắng lợi lớn khi phá hủy 13 máy bay, diệt 220 tên địch.

Với bờ biển dài và nhiều sông ngòi, kênh rạch, việc cung cấp vũ khí, đặc biệt là thủy lôi cho bộ đội đánh địch trên địa bàn sông nước là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, các loại thủy lôi do nước ngoài tài trợ có thiết bị thả phức tạp hoặc quá cồng kềnh… rất khó khăn khi đưa vào chiến trường, nhất là ở miền Nam. Thượng tá, CCB Nguyễn Duy Lâm nhớ lại: “Ngay sau khi chế tạo thành công tên lửa A12, phòng bắt tay vào nghiên cứu chế tạo thủy lôi đáy áp suất APS. Thủy lôi APS rất phù hợp với cách đánh Việt Nam, được bộ đội đặc công sử dụng hiệu quả. Đến tháng 11-1971, đã có 201 tàu địch bị đánh chìm bởi loại vũ khí này...".

Ngoài tên lửa A12 và thủy lôi APS, trong kháng chiến chống Mỹ, Phòng Nghiên cứu vũ khí và thiết kế đã nghiên cứu thành công nhiều công trình, cho ra đời nhiều loại vũ khí phục vụ tác chiến của bộ đội, điển hình như chế tạo “hàng rào” bóng khinh khí; cải tiến đạn AT; nghiên cứu chống nhiễu máy bay B-52, chống tên lửa sơ-rai; chế tạo vũ khí phá rào (FR, FRA, FRB, FRT) giúp phá rào, phá bãi mìn, mở cửa mở nhanh gọn, giảm thiểu thương vong cho bộ đội; nối tầng tên lửa ĐKB, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam; thiết kế chế tạo thủ pháo mảnh, mìn cho bộ đội đặc công… Trong đó, cụm công trình nghiên cứu chế tạo tên lửa A12, FR, APS, ĐKB nối tầng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1-1996; cụm công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo và thiết bị điều khiển nổ trong kháng chiến được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000.

Sức trẻ tiếp nối

Đến Viện Tên lửa những ngày này, chúng tôi được gặp nhiều cán bộ trẻ có không ít thành tích trong nghiên cứu khoa học. Đang làm nghiên cứu sinh nhưng Đại úy Trần Xuân Tiến (Phòng Công nghệ) vẫn tích cực tham gia nghiên cứu đề tài cấp quốc gia; chủ nhiệm đề tài nền cấp Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự. Năm 2014, Tiến giành giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội với đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ hợp máy quấn điều khiển 4 bậc tự do phục vụ chế tạo bình cao áp hình trụ kín từ vật liệu compozit dùng trong tên lửa, thiết bị bay”. Thành công của đề tài góp phần quan trọng vào việc chế tạo các bình cao áp dùng trong tên lửa… Đại úy Trần Xuân Tiến chia sẻ: "Trong kháng chiến, mặc dù quân số không nhiều, điều kiện làm việc hết sức thiếu thốn, gian khổ và nguy hiểm nhưng các nhà khoa học của viện luôn bám sát chiến trường để nghiên cứu, cải tiến, chế tạo vũ khí… góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Đây là niềm tự hào, đồng thời là tấm gương, động lực thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi phấn đấu, noi theo".

Theo Đại tá, TS Đặng Hồng Triển, Viện trưởng Viện Tên lửa, đội ngũ cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) của viện hiện chiếm tới gần 45% quân số, được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước. Những năm qua, đội ngũ cán bộ trẻ thường xuyên được cấp ủy, chỉ huy viện quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác, nhiều cán bộ trẻ đã được giao chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng, cấp viện… “Cán bộ khoa học trẻ đã tiếp nối xứng đáng thế hệ cha anh đi trước, góp phần quan trọng vào thành công của viện suốt thời gian qua”, Đại tá, TS Đặng Hồng Triển khẳng định.

Bài và ảnh: HIẾU TRUNG