Đường dây 559 được xuất phát từ Khe Hó phát triển về hướng tây nam, vượt sông Bến Hải, vượt đường số 9, qua Ðá Bàn vào Tà Riệp, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu V. Ðây chính là con đường gùi ra đời sớm nhất trước khi một hệ thống đường vận tải đồ sộ được hình thành. Tại khu vực này, các kho tàng được đặt dày đặc và được ngụy trang cẩn thận.

Địa điểm Khe Hó đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia: Địa điểm xuất phát của đường dây 559, theo Quyết định số 3532/QĐ/BVHTTDL ngày 1-11-2011.

NGUYỆT HƯƠNG

 

Cột mốc số 0 của Đường Hồ Chí Minh

Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 27-11-1972, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 (lúc này đã phát triển thành Bộ tư lệnh Trường Sơn) khởi công xây dựng tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Điểm xuất phát tại thị trấn Lạt được đánh dấu bằng cột mốc số 0 của Đường Hồ Chí Minh.

Ngày 27-4-1990, Km 0 Đường Hồ Chí Minh đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

HÀ THANH

 

Điểm cuối của tuyến chi viện chiến lược

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt điểm cuối đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Điểm cuối của tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước là nơi ghi dấu những chiến công và sự hy sinh xương máu của các lực lượng Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không ngại gian khổ hy sinh, bền chí bền lòng mở đường thông tuyến, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam những năm 1973-1975.

THÀNH CÔNG

 

Chiến trường rộng lớn nhất

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trường Sơn là chiến trường rộng lớn nhất (trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của nước bạn Lào và 4 tỉnh thuộc Campuchia). Trường Sơn cũng là chiến trường chiến đấu trong một thời gian dài nhất - 16 năm, từ tháng 5-1959 đến hết tháng 4-1975. Đây là chiến trường mà bộ đội công binh phải mở nhiều con đường nhất: 5 trục dọc và 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô các loại, tạo nên một “trận đồ bát quái” xuyên Trường Sơn.

Trường Sơn còn là chiến trường bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ và tay sai nhất: 2.454 máy bay các loại (bằng gần 1/2 tổng số máy bay bị bắn rơi trên Miền Bắc) và là chiến trường phải hứng chịu bom đạn nhiều nhất (chiếm 1/2 số bom đạn Mỹ thả xuống toàn bộ chiến trường Việt Nam-4 triệu tấn).

MINH NGUYỆT