Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Hải Dương, năm 1966, chàng trai Trần Văn Phú lên đường nhập ngũ, trở thành bộ đội lái xe trên tuyến đường khói lửa Trường Sơn và đến năm 1982 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 21 năm quân ngũ, năm 1987, ông xuất ngũ về tại mảnh đất Bắc Giang (quê vợ ông). Ngoài việc chăm lo xây dựng kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Liễu (vợ ông) nhiều lần khuyên chồng nghỉ ngơi, nhưng với tinh thần của người đảng viên cộng sản, Bộ đội Cụ Hồ, ông chỉ cười vui và vẫn tiếp tục niềm đam mê với hoạt động xã hội.

Năm 2013, hằng ngày đưa cháu nội đi học, chứng kiến những phụ huynh cùng tổ dân phố phải vất vả sớm hôm để đưa đón con, ông rất trăn trở. Thế là, ông liền đến gặp các gia đình để tâm sự và mong muốn được đưa các cháu đi học. Ban đầu chỉ 3-4 cháu được ông chở đi bằng xe máy. “Mỗi buổi phải chạy xe ngược xuôi mấy lượt mới chở hết các cháu. Tuy có hơi mệt, nhưng tôi rất vui”-ông Phú tâm sự.

 

Rồi một lần đi du lịch, được ngồi trên xe điện êm ru, ông Phú nảy ý định mua chiếc xe điện để đưa các cháu đến trường vừa thuận tiện, vừa an toàn. Thế là ông rút tiền tiết kiệm và tìm mua chiếc xe điện cũ, mang về tân trang, đóng lại mái che, lắp hai hàng ghế và một số phụ kiện với tổng chi phí gần 20 triệu đồng.

Chiếc xe điện và hình ảnh ông già luôn mặc bộ quân phục bạc màu, đội mũ cối đứng giữa đám đông gần cổng Trường Tiểu học Dĩnh Kế đợi đón các cháu học sinh trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. Số lượng học sinh được ông chở đi học hiện lên tới gần 20 cháu. Vì các cháu học ở cả bậc mầm non và tiểu học nên sáng nào ông cũng phải chạy xe hai chuyến. Chuyến đầu, ông chở các cháu mầm non, chuyến thứ hai chở các cháu tiểu học. Các cháu vào lớp xong, ông lại về nhà chăm chút chiếc xe để chiều đi đón...

Một điều đặc biệt là ông không hề đòi hỏi tiền công từ phía gia đình học sinh. Chia sẻ về điều này, ông Phú cho biết: Khu vực quanh tổ dân phố Giáp Hải có nhiều cặp vợ chồng quê ở xa về đây thuê trọ, với đồng lương công nhân hạn hẹp. Bởi thế, nếu thuê người đưa đón con đi học hằng ngày thì cuộc sống của họ sẽ chật vật hơn. Vì thương tụi nhỏ và muốn san sẻ bớt khó khăn với người công nhân, nên ông quyết định không lấy tiền công chở các cháu. Không những thế, trên đường đưa các cháu đến trường, ông còn quan tâm giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho các cháu. Ông quy định, khi ngồi trên xe không được đùa nghịch để tránh tai nạn, đặc biệt là không được nói tục, chửi bậy. Cháu nào đạt điểm cao, ông mua bánh kẹo làm phần thưởng. Buổi chiều, nếu gia đình chưa đón thì các cháu ở lại chơi cùng ông bà. Trường hợp bố mẹ cháu nào đi làm về muộn, ông bà nấu mỳ, nấu cơm cho cháu ăn. “Tiện bữa thì nấu cho các cháu ăn luôn, rồi ngồi học đợi bố mẹ về đón. Chứ để chúng nhịn đói ngồi đợi đến 8-9 giờ tối bố mẹ mới về đón thì tội lắm”- ông Phú tâm sự.

Ông bà Phú còn trích tiền lương hưu để lập tủ sách báo tại nhà. Trước đây, khi chưa có tủ sách báo, các cháu hay đòi ông kể chuyện về những trận đánh hào hùng của quân đội, cũng như những tấm gương bình dị mà cao quý ông đọc trên Báo Quân đội nhân dân. Vì vậy, ông bàn với vợ mua thêm ít sách báo để các cháu đọc, giúp các cháu thêm hiểu biết, học được những tấm gương sáng trong cuộc sống, những điều hay lẽ phải.

Biết được hành động cao đẹp của đảng viên, cựu chiến binh Trần Văn Phú với chiếc xe điện nghĩa tình, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân đã quyết định tặng ông cùng các cháu học sinh hai năm đọc các ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân (xem ảnh). Đón nhận món quà của Báo Quân đội nhân dân, ông Phú rất vui. Khi trò chuyện về những chuyến xe chắp cánh ước mơ cho các cháu nhỏ phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang, ông Phú chia sẻ: “Điều tôi lo nhất là dăm bẩy năm nữa không còn sức khỏe để đồng hành với các cháu nhỏ đến trường. Cứ nghĩ đến thời điểm ấy, tôi lại thấy buồn. Hiện nay tôi đang tìm người cùng có tấm lòng thương yêu con trẻ để “truyền nghề” ./.

Bài và ảnh: SỸ CƯỜNG - VIỆT PHƯƠNG