“Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”. Côn Lôn là tên Côn Đảo thuở xưa. Câu ca dao đầy oán thán ấy như tiếng kêu xé lòng của nhân gian không biết có thấu đến tận cao xanh hay không, nhưng có một sự thật lịch sử từng kéo dài lê thê hơn một thế kỷ tại hòn đảo này, đó là trong 113 năm kể từ khi xuất hiện nhà tù Côn Đảo (năm 1862) đến khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước (năm 1975) đã có khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ từng bị giam cầm, tra tấn tại đây.

Con cọp (hổ) vốn là loài thú dữ nhất nhì trong giới động vật săn mồi. Ở nhà tù Côn Đảo, kẻ thù đã thiết kế những chuồng cọp không phải để nhốt loài ác thú, mà là để giam giữ những người chỉ mắc “cái tội” duy nhất là “thương nòi Việt, yêu nước Nam” và “không hợp tác với quân xâm lược giày xéo lên tổ tiên, giang sơn bờ cõi nước mình” (!).

Tác giả (bên trái, ngoài cùng) viếng mộ nữ liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: ĐÌNH PHÒNG     

Đến khu biệt giam “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo, tôi được nghe chị hướng dẫn viên Khu di tích nhà tù Côn Đảo kể về những hình thức tra tấn cực kỳ dã man, tàn khốc của kẻ thù. Với tù nhân, hết cảnh xiềng đơn, xiềng kép, ăn cơm nhạt, uống nước lã, nhịn đói, vệ sinh hôi hám, lại chịu đựng các đòn tra tấn cực hình từ dùi cui, roi song, roi gân bò, kìm sắt nung, hòm tra điện, kim cắm móng tay… Đấy là chưa kể vào những ngày nắng nóng, những kẻ cai ngục máu lạnh dội nước lã từ trên xuống, sau đó rắc vôi bột để khi vôi gặp nước sẽ gây bỏng cho các tù nhân ngay trong “chuồng cọp”! Tận mắt nhìn cảnh giam cầm tù đày ở Côn Đảo, tôi bất chợt ngẫm nghĩ: Sao cùng là con người, cùng là xương thịt, cùng có trái tim khối óc, mà nỡ lòng nào người ta lại đối xử bất nhân, vô lương, nhẫn tâm với đồng loại khủng khiếp đến mức ngoài sức tưởng tượng như thế?

Khi ai đó chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt kéo dài dằng dặc gần suốt thế kỷ 20, thì hãy một lần đến Côn Đảo và bước chân qua những cánh cửa hẹp, nhìn những song sắt lạnh lùng, tận mắt chứng kiến những hình hài trơ xương mắt hốc bị gông cùm, kìm kẹp trong những căn phòng tối tăm, ẩm mốc và nhìn cảnh những tên đao phủ không trừ bất cứ thủ đoạn kinh tởm nào để tra tấn những tù nhân yêu nước, chắc chắn người đó sẽ tự ngẫm lại về sự thờ ơ với quá khứ của chính mình. Cuộc đời có nhiều nỗi đau. Nỗi đau nào cũng cần sự sẻ chia, thông cảm. Nhưng có một nỗi đau muôn đời không được phép lãng quên: Đã có hai vạn người Việt ái quốc phải trả giá bằng những năm tháng giam cầm đau đớn, bằng sự tra tấn độc địa hơn cả thời trung cổ, bằng cả máu xương đã thấm vào cỏ cây, núi đồi, nước non Côn Đảo!

Khi vào thăm Bảo tàng Côn Đảo, tôi đứng trước bảng thông tin hình ảnh về 14 chúa đảo tại Côn Đảo thời kỳ năm 1954-1975. Có chúa đảo mới mang quân hàm đại úy, mặt mày khá trẻ trung, dung nhan chả đến mức bặm trợn, táo tợn như những kẻ lưu manh giang hồ, thậm chí có chúa đảo mới thoạt nhìn ảnh chân dung khá hiền lành, nhưng đọc lại lịch sử, nghe những thông tin về những đòn tra tấn tù nhân của chúng, thì giật mình biết rằng những kẻ đó chẳng khác nào ác thú đội lốt diện mạo con người, một tội ác mà muôn đời “trời không dung, đất không tha”!

Hàng Dương, cái tên nghe mềm mại, du dương như một bản nhạc êm tai. Khi vào Nghĩa trang Hàng Dương, chân bước lẹ làng như đang mơ màng trong một giấc chiêm bao thiêng. Những ngôi mộ trong Nghĩa trang Hàng Dương không thành hàng lối, hầu như mỗi ngôi mộ là những viên đá ghép vào, đắp lên trên mặt đất tựa như những con người một đời bình dị, một đời đau đáu, một đời từng có những ngày tháng sống trong “địa ngục của địa ngục trần gian”. Một lần sống trong địa ngục đã là nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Thế mà nhiều người con đất Việt phải sống tới “hai lần địa ngục” thì nỗi đớn đau như tầng tầng, lớp lớp, nhưng tấm gương chịu đựng của họ lẫm liệt như núi cao, vững vàng như bàn thạch, bền chắc như những tảng đá bất chấp thời tiết, khí hậu để trường tồn cùng thời gian.

Trong tổng số hơn 1.900 ngôi mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương, có tới 25 ngôi mộ tập thể và khoảng 1.200 ngôi mộ khuyết danh. Trong khu nghĩa trang này, ngoài những hàng cây dương vi vu cùng gió biển, còn có vô vàn cây dừa cạn nở hoa gần như quanh năm. Loài hoa hoang dại có thân hình mềm mại, cánh hoa mỏng manh màu hồng tím mà mỗi cơn gió thoáng qua, hoa lá đung đưa nhè nhẹ như cất lên tiếng êm dịu ru hồn người dưới mộ yên giấc ngàn thu. Nhìn những cây hoa dừa cạn lặng lẽ mọc bên những ngôi mộ như xía vào lòng người đang sống hôm nay một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến khôn nguôi!

Nghĩa trang Hàng Dương về đêm, không gian lóng lánh bởi những ánh đèn soi chiếu lấp ló dưới những hàng cây rợp bóng. Dòng người càng về khuya càng trở nên đông hơn khi hướng về một nơi được coi là linh thiêng nhất ở đây: Mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952). Nghe đâu từ hàng chục năm nay, mộ cô Sáu hiển linh lắm. Ai đã một lần đến Côn Đảo, vào thăm viếng Nghĩa trang Hàng Dương mà chưa đến thắp nhang và cầu khấn trước vong linh cô Sáu thì cảm tưởng chuyến hành hương của mình hình như chưa trọn vẹn. Chuyện về kẻ thù thực dân Pháp hành quyết Võ Thị Sáu vào ngày 23-1-1952 không còn là chuyện hy sinh của riêng người con gái quê hương Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), mà tinh thần bất khuất, hiên ngang của chị khiến kẻ thù phải kính nể, đã trở thành một giá trị đạo đức, một lẽ sống cao đẹp, một biểu tượng văn hóa tâm linh luôn được hậu thế ngợi ca, nhắc nhớ, tri ân muôn đời. Vì thế, từ nhiều năm nay, ngày 23-1 hằng năm là ngày giỗ chung đối với hơn 8.700 cư dân Côn Đảo-những người coi cô Sáu như một phần tâm linh của gia đình, dòng họ mình, như một “thần bảo hộ” cho cuộc sống an cư lạc nghiệp của bà con trên đảo. Sự hy sinh của cô Sáu, vì thế đã trở thành bất tử...

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ bài thơ “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết từ tháng 4-1976 khi ra thăm Côn Đảo. Những vần thơ về hình tượng cô Sáu được học từ thuở lớp 1: “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đóa hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh/ Bây giờ dưới gốc dương/ Chị nằm nghe biển hát”, để rồi “Từ buổi mai chị ngã/ Đã có bao câu chuyện/ Những truyền thuyết không tên/ Cứ lan dần như sóng/ Đảo Côn Sơn-địa ngục/ Chị Sáu hóa thiên thần”. Cũng bởi thế, không biết tự bao giờ, với người dân Côn Đảo nói riêng, với người dân Việt Nam nói chung, khi ra Nghĩa trang Hàng Dương, mộ cô Sáu là điểm đến tâm linh đặc biệt, bởi như nhà thơ họ Phan đã nói hộ muôn người: “Mộ chị Sáu hương bay/ Cả bốn mùa không tắt/…. Chị Sáu thành người bạn/ Sống giữa lòng nhân dân”.

Rời Côn Đảo sau hai ngày đêm ở hòn đảo này, tôi thấy lòng mình như nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn vì đã được đặt chân trên một trong những mảnh đất thiêng liêng, huyền thoại của Tổ quốc. Côn Đảo xưa là ngục tù tăm tối của bao tù nhân chính trị, tù nhân yêu nước. Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một cái tên hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt, bởi đến nơi đây, mỗi người dân Việt không chỉ có cơ hội được tìm hiểu một trong những trang sử bi hùng nhất của dân tộc Việt trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà còn được trực tiếp trải nghiệm, khám phá một trong số những hòn đảo tươi đẹp nhất nước Nam.

Côn Đảo tươi xanh, thoáng mát đến mê hồn. Đi trên các cung đường trong khu hành chính-dân cư tập trung ở Côn Đảo mới cảm nhận được không gian trong lành ở hòn đảo này. Những con phố dọc ngang như ô bàn cờ tuy nhỏ, ngắn, nhưng rợp bóng cây xanh, nhất là những cây bàng cổ thụ có tuổi đời trên một trăm năm đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” như nhưng chiếc ô khổng lồ che nắng ban ngày và chiếc điều hòa “khủng” làm dịu mát ban đêm. Phố không rộng mà hè phố khoáng đạt, người và xe cộ qua lại bình thản là vẻ đẹp đặc trưng của phố thị Côn Đảo. Những ngôi nhà ở Côn Đảo xây thấp chỉ 1 đến 2 tầng. Những bức tường bao quanh nhà dân hay cửa hàng, nhà hàng, trụ sở cơ quan nếu không có một màu rêu phong thì cũng có giàn cây leo bao phủ, mang lại cho con người cảm giác gần gũi, thanh thoát. Tuyến phố Tôn Đức Thắng ven biển đẹp đến nao lòng về đêm, sóng vỗ vào bờ rì rào, rì rào như một bản nhạc dịu êm. Thấp thoáng trên biển là những đốm đèn từ tàu thuyền đánh cá của bà con ngư dân như những vì sao lấp lánh trên vịnh Côn Sơn.

Một người bạn nói với tôi rằng, khi ra thăm Côn Đảo, thấy lòng bớt tham-sân-si hơn, tự nhắc nhớ mình sống có trách nhiệm hơn, làm những việc ý nghĩa hơn để bớt đi nỗi hổ thẹn trước sự hy sinh cực kỳ vĩ đại, cực kỳ cao thượng của tiền nhân! Tôi thầm cảm ơn bạn đã nói hộ lòng mình.

Côn Đảo-Hà Nội, tháng 8-2018

Ghi chép của NGUYỄN VĂN HẢI