 |
Bão số 6 làm ngập hàng trăm ngôi nhà ở miền Trung. Ảnh: Theo Internet |
Chúng tôi về Quảng Nam khi dấu tích cơn bão số 6 để lại còn đè nặng lên vai người dân miền cát trắng. Cây cối xác xơ, khuôn mặt người dân hốc hác. Cuộc sống chưa kịp trở lại bình thường. Những vùng quê nghèo của đất Quảng dẫu đã có rất nhiều đổi thay, nhưng những chuyện, những người chúng tôi có dịp gặp được trong chuyến công tác này vẫn còn nhiều điều đáng nói.
Chuyện về hai người đàn bà
Đó là trường hợp của hai người đàn bà ở thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Hai người già, hai cái bóng, sống trong hai "căn nhà" cao chưa đầy hai mét. Đó là cụ bà Trần Liễu, 72 tuổi và bà Lê Thị Hai, 56 tuổi. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng có một cái chung là quá nghèo.
Hơn 50 năm về trước, giữ trọn lời hẹn ước với người yêu trước khi lên đường tập kết, cô thôn nữ xóm chài đằng đẵng mấy chục năm ròng một lòng son sắt thủy chung sống trong sự chờ đợi và hy vọng. Đất nước hoà bình, người con gái năm xưa đã xa dần cái tuổi xuân thì, vẫn hy vọng một ngày nào đó người thương yêu trong sâu thẳm trái tim sẽ trở về. Nhưng tất cả chỉ là hy vọng... Không chồng, không con, mấy chục năm nay, cụ Liễu sống một mình trong "căn nhà" nhỏ được bà con hàng xóm dựng tạm. Hằng ngày, từ 5 giờ sáng đến tối mịt cụ làm bạn với chiếc thuyền nhỏ của mình. "Thuận chèo, mát mái" có khách đi đò, cụ Liễu cũng kiếm được 5.000 đến 6.000 đồng, nhiều hôm ra tới bến rồi lại trở về tay trắng. Bữa cơm trưa "hào phóng" cụ cũng chỉ dám chi đến 2.000 đồng. Bữa cơm chiều hôm ấy, nhà có khách là chúng tôi, cụ chỉ bớt đi phần khoai lang hằng ngày chiếm phần lớn trong nồi cơm ấy, thức ăn dù cố lắm cũng chỉ có đôi ba con cá và một bát mắm chua. Mớ rau má cụ tranh thủ hái được buổi trưa cũng phải để dành. Không phải cụ "tiếc" chúng tôi, mà vì những ngày tới nếu bão lại ập đến, cụ chẳng biết sống bằng gì. Thế cũng đã là sang lắm rồi so với cuộc sống khốn khó, thường nhật của cụ. Dù đã bớt đi phần lớn số muối, nhưng những con cá to bằng hai ngón tay vẫn mặn chát đầu lưỡi. 72 tuổi nhưng chỉ ăn phần đầu, còn phần ngon nhất, cụ dành gắp cho chúng tôi. Chỉ một chiếc chõng tre, nhưng cụ vẫn cố mời bằng được chúng tôi ở lại. Chiều lòng cụ, chúng tôi ở lại một đêm trong "ngôi nhà" khiêm nhường nằm sát chân đê biển cách âu thuyền Hồng Triều chừng 500 mét.Đêm xuống, gió biển từng cơn thổi ào ạt, luồn qua bức vách. Không gian tĩnh mịch, mọi tiếng động xung quanh dội đến nghe rõ mồn một. Cảm giác lẻ loi, hiu quạnh thật khó quen, thế mà mấy chục năm ròng, cụ Liễu đã sống một mình trong "căn nhà" ấy. Le lói bên chiếc đèn dầu duy nhất cụ để lại, chúng tôi cố viết cho xong phần đầu của bài phóng sự này và cầu mong cho trời mau sáng.
Cách nhà cụ Liễu chừng vài bước chân, bà Lê Thị Hai cũng có hoàn cảnh tương tự, nhưng bà Hai "hạnh phúc" hơn vì có một người con gái. Cuộc sống khốn khó buộc đứa con gái của bà phải đến nương nhờ cửa Phật. Biết thế là khổ, nhưng sau những chuyến đi biển trở về nhà, bà lại ngóng trông cô con gái về thăm. Mỗi lần mẹ con gặp nhau, họ chỉ biết ôm chặt lấy nhau mà khóc như để bù lại những ngày xa cách. Không có nghề "chèo đò" như cụ Liễu, bà Hai đành phải làm thuê trên những con thuyền lênh đênh đánh cá ngoài biển khơi. Tuổi già lại thêm bệnh hen xuyễn, nhưng vì cuộc sống bà vẫn phải theo thuyền, bám biển.
Trong hoàn cảnh của bà Hai, hay cụ Liễu, không đi biển, không chèo thuyền chẳng biết lấy gì để sống. Bữa cơm chiều nay bà Hai không đỏ lửa, bởi buổi sáng cơm vẫn còn thừa nhiều. Nói chuyện với chúng tôi, cả cụ Liễu và bà Hai đều có chung một mong ước: Làm thế nào có được khoảng 10 triệu đồng dựng căn nhà trên mảnh đất đã được xã cấp để sống thanh thản hơn những ngày cuối đời. Biết thế là khó nhưng hai người đàn bà vẫn cứ hy vọng điều ấy thành hiện thực.
Những chuyến đò quá tải
Thôn Đông Bình, xã Duy Vinh như một ốc đảo nằm lọt thỏm giữa bao la sông nước. Sau bão số 6 chúng tôi đã về đây chuyển số tiền cứu trợ của bạn đọc báo Quân đội nhân dân đến những gia đình bị nạn. Ngày ấy, bác lái đò nói với chúng tôi, con đò này là phương tiện duy nhất để đưa dân Đông Bình sang phía bên kia. Trước bão số 6, bà con dốc sức đưa lên bờ, nhờ vậy bây giờ mới có phương tiện mà đi lại.
Câu chuyện của bác lái đò lúc ấy chúng tôi không thật để ý. Chuyến này về lại Duy Vinh, ngồi trên con đò ấy cùng các cháu học sinh và bà con cô bác, mới thấy bức bách về sự thiếu phương tiện đi lại của cư dân vùng này.
Thôn Đông Bình có 345 hộ dân với 1.600 khẩu, mà duy nhất chỉ có một bến đò với một con đò nhỏ này. Một ngày xuôi ngược, qua lại trên bến sông không biết mấy chục, mấy trăm chuyến, nhưng lúc nào cũng đầy ắp khách, lúc nào cũng quá tải không đáp ứng được nhu cầu đi lại, làm ăn buôn bán của nhân dân - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, Nguyễn Văn Năm phàn nàn với chúng tôi như vậy.
Hỏi tại sao không mở thêm một vài bến mới để giảm tải, anh Năm như người có lỗi, ánh mắt dõi ra sông nước mênh mang, phải khá lâu anh mới bộc bạch: Sắm một con đò tốn từ 50 đến 80 triệu, xã nghèo như Duy Vinh không đủ sức. Bà con mình nghèo lo ăn ngày hai bữa, lo chuyện học hành cho con em đã quá tải rồi, cơn bão số 6 tàn phá đến kiệt quệ, sức dân chịu sao đặng.
Tan trường, con trẻ như bầy chim non tíu tít chân sáo dồn về bến sông. Mỗi lần đò cập bến, chúng chen nhau đổ xô xuống con thuyền nhỏ. Cụ ông Võ Thúc Minh, 75 tuổi, tay dắt chiếc xe đạp, miệng luôn nhắc nhở mấy cháu nhỏ, nhắc nhở chủ đò không được chủ quan chở quá tải. Chúng tôi hỏi anh Năm, tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên sao. Anh phân trần, những ngày nước lớn, cán bộ xã chúng tôi thay nhau túc trực ở bến sông, phần để kiểm tra, phần để nhắc nhở chủ đò giữ an toàn cho hành khách, đặc biệt hơn 300 cháu học sinh các cấp ngày ngày phải vài lần qua lại trên đò. Những ngày bình thường thì giao hết cho chủ đò. Tuy trên đò có treo vài chục chiếc áo phao, dăm bảy cái phao cứu sinh, nhưng theo chúng tôi, đấy chỉ là hình thức, bởi áo thì treo theo dãy lan can bên mạn, phao thì cái nọ buộc với cái kia. Nói dại, có tình huống gì, mấy thứ đó chẳng giúp được gì cho công tác cứu nạn. Anh Nguyễn văn Sáu, bố của cháu Hoa, nói với chúng tôi: "Mỗi lần con xuống đò đi học là trong bụng tôi lại thắc thỏm lo âu. Ngày nào quá giờ chưa thấy cháu về, ruột như lửa đốt, trời mưa gió đội chiếc áo mưa ra bến sông, nhìn thấy con lòng mới vợi đi nỗi lo".
Nhu cầu một cây cầu nối hai bờ sông đối với nhân dân xã Duy Vinh, đặc biệt là thôn Đông Bình là một ước mơ cháy bỏng. Gặp chúng tôi, ai cũng đều nói vậy. Nhưng, lại phải nhắc lại chữ “nhưng”. Dù đấy là ước mơ chính đáng, nhưng bà con vẫn nói rằng: “Xây cầu tốn nhiều tiền lắm, hãy để Nhà nước lo việc lớn hơn”. Vậy nguyện vọng của bà con là gì? Tất cả đều nói: “Có được một con đò lớn là quý lắm rồi”. Nhìn con đò nhỏ, nhìn dòng sông ngầu đục, trong chúng tôi lại nhói lên nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn ở bến đò Cà Tang (Quế Sơn, Quảng Nam); Chôm Lôm (Tương Dương, Nghệ An).
Khốn khó Tây Trà
Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút chúng tôi hành quân lên Tây Trà, một huyện miền núi vừa được tách ra từ huyện Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi. Sau hơn ba năm “ở riêng”, Tây Trà vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh, nhưng so với trước đây, Tây Trà hôm nay “có được thành quả, hình hài thế này là một sự phát triển vượt bậc”- anh Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định với chúng tôi như vậy. Nằm cách thành phố Quảng Ngãi gần 100 km, theo tỉnh lộ 622, sau gần ba giờ hành quân, chúng tôi mới có mặt ở trung tâm huyện. Chưa có trụ sở để các cơ quan huyện làm việc, tất cả còn phải ở tạm trong những căn nhà dựng lên bằng tre, nứa. Đường sá ngổn ngang, chằng chịt những ổ gà, ổ voi, tạo thành những vũng nước sâu hoắm. Tiếp chúng tôi tại “phòng khách” của Ban CHQS huyện, anh Sơn cho biết:
- Sau gần ba năm tách huyện, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện vẫn còn 97%. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Trà đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển dịch, đổi mới cơ cấu kinh tế tạo sự phát triển bền vững. Giá trị sản xuất năm 2006 ước đạt 26,48 tỷ đồng, tăng hơn 13,4% so với năm 2005. Bình quân lương thực đạt 167 kg/người, tăng 19 kg so với năm 2005. Nhìn chung đời sống bà con trong huyện có nhiều đổi thay, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nhưng do điều kiện thời tiết, giao thông chia cắt bởi nước từ thượng nguồn đổ về nên kế hoạch tìm hiểu thực tế ở các xã Trà Khê, Trà Xinh chúng tôi không thực hiện được. Dẫu không thể đến được những xã khó khăn nhất của huyện, nhưng “mời các anh, các chị đến xã thuận lợi nhất của huyện cũng đủ thấy cuộc sống của và con nhân dân ở đây"-Anh Sơn nói với chúng tôi Trà Lãnh là xã thuộc diện “phát triển” nhất của huyện Tây Trà, nhưng hiện nay cũng có tới hơn 85% hộ nghèo. Thực hiện Chương trình 134, huyện đã tập trung giải quyết được chỗ ở cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc Cor, nhưng qua quan sát của chúng tôi vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Tài sản của các hộ đồng bào dân tộc Cor ở Trà Lãnh chẳng có gì đáng giá. Ông Hồ Vinh, 70 tuổi ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh là một người đã từng tham gia cách mạng từ năm 1959 mời bằng được chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà tuềnh toàng, ngoài ba chiếc xoong, vài vật dụng sinh hoạt để đi nương, đi rẫy, chẳng có gì đáng giá. Một manh áo mỏng, một chiếc mũ bám đầy bùn đất, ông Vinh không còn thứ gì cho riêng mình. Chỉ tay vào đám đất ngay cạnh bếp lửa, ông cho biết: “Mùa đông giá lạnh như mấy ngày vừa rồi thì ngủ ở chỗ này, nằm cạnh bếp cho ấm. Mùa hè thì làm bạn với chiếc chõng tre kia”. Quả thật, tôi không thể hình dung nổi nơi ngủ của một ông già 70 tuổi chỉ bằng những bao dứa, trải trên nền đất lồi lõm, không chiếu, không chăn. Cuộc sống nghèo túng đến thế, nhưng ông vẫn rất lạc quan: “ Thế này cũng là khá lắm rồi, trước đây bà con chủ yếu ăn mỳ (sắn), nhưng vẫn đánh thắng thằng Tây. Đất nước còn nghèo nên mình cũng phải gắng gượng, biết làm sao được”. Ông nói vậy cho tôi đỡ buồn, thực lòng chứng kiến cuộc sống của gia đình ông nói riêng và bà con dân tộc Cor ở Tây Trà nói chung quả còn nhiều điều khốn khó.
Chúng tôi nắm chặt bàn tay gân guốc của ông mà lòng thắt lại. Ở Tây Trà nói chung, ở Trà Lãnh nói riêng, những gia đình có chung hoàn cảnh như ông Vinh không hiếm. Chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào, chúng tôi hy vọng rằng cùng với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương, sự vươn lên của mỗi gia đình, bà con nơi đây rất cần những tấm lòng nhân ái giúp đỡ họ tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạo nền tảng để mỗi người vươn lên thoát được cái đói, cái nghèo trên vùng chiến khu cách mạng năm xưa.
Những mảnh đời, những câu chuyện ở những vùng quê nghèo mà chúng tôi có dịp đến và tìm hiểu. Sự nghèo khó là "bạn" đồng hành với họ. Song có một điều rất chung mà chúng tôi ghi nhận và khâm phục, đấy là: Ý chí, nghị lực vươn lên của người dân. Họ đã vượt qua hoàn cảnh, vượt qua những khó khăn. Điều đó khẳng định rằng: Nhân dân ta, dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù dưới biển hay trên nguồn, dẫu cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng không phải vậy mà họ bi quan. Đấy là điều đáng để chúng ta trân trọng. Và càng trân trọng, càng khâm phục, hy vọng rằng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm từ các cơ quan, đơn vị đến với đồng bào nghèo. Mọi sự chung tay góp sức là động lực, là cơ sở để đồng loại chúng ta vượt qua hoàn cảnh, thoát khỏi đói nghèo. Cuộc sống sẽ tốt lên, đẹp thêm khi vòng tay nhân ái của cả cộng đồng rộng mở.
ĐẶNG TRUNG HỘI, LÊ NGỌC LONG