Nhiều người khá bất ngờ khi biết, một tỉnh nhỏ như Thái Bình mà có doanh nghiệp không nộp, hay nói chính xác là chây ì, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội với số tiền lên tới hơn 5 tỉ đồng. Hiện tượng phớt lờ sự hối thúc của ngành chức năng, chậm trễ, dây dưa trong thực hiện chính sách thuế, tài chính, ngân hàng… cũng diễn ra phổ biến tại nhiều doanh nghiệp, thuộc hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Trên phạm vi cả nước, với hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thì số “chúa Chổm” chiếm tỉ lệ không nhỏ với số tiền nợ rất lớn. Có một thực tế, ngay cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc diện “chủ nợ” cũng đang méo mặt vì chuyện không thu hồi được vốn từ các “chúa Chổm” để tái sản xuất kinh doanh.

Trên phạm vi cả nước, với hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thì số “chúa Chổm” chiếm tỉ lệ không nhỏ với số tiền nợ rất lớn. (ảnh minh họa internet)

Hiện, có nhiều kiểu được nợ và bị nợ mà tính chất, quy mô không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa những cá nhân đơn thuần. Các loại nợ ngày càng trở nên đa dạng như: xí nghiệp nợ lương công nhân, công ty nợ tiền ngân hàng, cá nhân nợ tập thể, đơn vị nọ nợ đơn vị kia, xí nghiệp "con" nợ công ty "mẹ", doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp khác… Nợ lòng vòng, nợ chậm trả, nợ đọng, nợ khó đòi ngày càng phổ biến.

Trong nền kinh tế thị trường, sự phong phú, đa dạng của các thành phần kinh tế làm cho hoạt động kinh doanh, tài chính trở nên sôi động, phức tạp. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có không ít cơ sở sản xuất, đơn vị kinh tế, công ty luôn tìm mọi cách để kiếm lời, thậm chí áp dụng cả mưu mô, thủ đoạn thiếu lành mạnh để thu được lợi nhuận từ chính đối tác, bạn hàng. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp “ngây thơ” đã trở thành con mồi để đối tác lợi dụng, bỗng chốc trở thành "chủ nợ" một cách bất đắc dĩ.

Hiện tượng khá phổ biến hiện nay là tình trạng chiếm dụng vốn của nhau thông qua hình thức mua và bán sản phẩm. Trong kinh tế, “đầu ra” của doanh nghiệp cung ứng vật tư nguyên liệu, lại là “đầu vào” của doanh nghiệp sản xuất; một mặt hàng thành phẩm của công ty nọ là bộ phận, chi tiết hợp thành sản phẩm của công ty khác. Do đó, tất cả các chu trình ấy đều liên quan đến nguồn vốn lưu động, dù không muốn các đối tác vẫn phải chấp nhận sự ứng trước hoặc khất nợ. Cách đây chưa lâu, trong lĩnh vực công nghiệp, người ta nhắc nhiều đến doanh nghiệp X, Công ty B, Công ty T, những đơn vị mà "số nợ phải thu" đã lên đến con số hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Nguyên nhân chính là sản phẩm sau khi xuất xưởng đã bị khách hàng xin khất theo kiểu… hồi sau sẽ trả! Sự trái khoáy còn ở chỗ, có doanh nghiệp là "chủ nợ" của doanh nghiệp này nhưng lại là "chúa Chổm" của đối tác kia. Tùy vào trình độ, năng lực quản lý của lãnh đạo, Ban giám đốc công ty cũng như khả năng hoạt động của doanh nghiệp mà cán cân được nợ và bị nợ nhiều hay ít. Song, nếu vượt quá tầm kiểm soát về đối tác, số lượng, quy mô, thời gian... thì dù có là "chủ nợ" hay "chúa Chổm" chắc chắn cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Nhà nước và người lao động. Đã có công ty lao đao, kiệt sức, dẫn đến phá sản trong tư cách của một "chủ nợ"!

Thu hồi công nợ đang là vấn đề nóng bỏng ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp. Điều đáng phê phán là có doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả nhưng vẫn vẫn thích làm “chúa Chổm”!

Gần đây, cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã kiên quyết, lập hồ sơ khởi kiện ra tòa một số công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội, trong đó có Công ty sản xuất giày thể thao tính đến cuối quý 3 năm 2007 nợ tới hơn 6,4 tỉ đồng. Đó là việc làm cần thiết và cần tăng cường nhiều hơn nữa, nhưng điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức tự giác trong thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, khẳng định chữ “tín” trong sản xuất kinh doanh, lựa chọn đúng đối tác mua và bán sản phẩm, kiểm soát được nguồn vốn, minh bạch các quan hệ tài chính... Ngăn ngừa sự xuất hiện của những “chúa Chổm” hiện đại, giảm dần những “chủ nợ” bất đắc dĩ là việc làm có ý nghĩa thiết yếu để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả.

LÊ THIẾT HÙNG