leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh thông tin đến Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tình hình hoạt động của hội những năm qua. Được thành lập ngày 10-1-2004, từ đó đến nay được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Hội đã kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, chủ động khai thác các mặt công tác.

Đến nay, Hội có mạng lưới tổ chức ở 63/63 hội cấp tỉnh, thành phố; 85% hội cấp quận (huyện); 65% hội cấp xã (phường, thị trấn) với hơn 400.000 hội viên. Với chức năng, nhiệm vụ đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội thường xuyên phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; nắm chắc số lượng nạn nhân, gia đình nạn nhân để đề xuất chủ trương, chính sách, chủ động phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chính sách…

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam thời gian qua.

Liên quan đến những đề xuất của Hội trong công tác tuyên truyền, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu giao Cục Tuyên huấn và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động của Hội, đặc biệt là các văn bản của Đảng, Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cấp, các ngành trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học, khắc phục khó khăn của các cấp hội nhằm thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam; đôn đốc các cơ quan chưa đặt mua Tạp chí Da cam Việt Nam; giao cho Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội bám sát tuyên truyền các sự kiện của Hội.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tại buổi làm việc. 

Việc giải quyết chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không còn giấy tờ, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh: Việc đề xuất giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không còn giấy tờ cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, bảo đảm đồng bộ, công bằng giữa các đối tượng người có công với cách mạng và có đề xuất cụ thể, thuyết phục.

Đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đề nghị Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam báo cáo đánh giá rõ thực trạng, vướng mắc người hoạt động kháng chiến bị mất giấy tờ chưa được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Trên cơ sở đó, giao Cục Chính sách nghiên cứu đề xuất với thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thủ trưởng Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định và chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, cung cấp tài liệu lưu trữ, tạo điều kiện cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có căn cứ xác lập hồ sơ.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc.

Đối với việc vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” và đợt “Nhắn tin từ thiện” năm 2023, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh: Đây là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hằng năm, khi Hội xây dựng kế hoạch tổ chức nhắn tin từ thiện, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tuyên truyền, vận động sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức, công nhân quốc phòng, người lao động trong quân đội tham gia hưởng ứng chương trình nhắn tin. Theo báo cáo của Cục Dân vận, tổng số tiền thu được qua chương trình trong 11 năm qua là hơn 26 tỷ 600 triệu đồng, qua đó nhằm hỗ trợ, góp phần tham gia khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà, dạy nghề và tạo việc làm cho nạn nhân da cam.

Tin, ảnh: DUY THÀNH