Tàu vừa cập cảng, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa đón tiếp như những người thân trong gia đình sau chuyến đi biển dài ngày. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, cho biết: "Cùng với nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, quân-dân trên đảo còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống cho bộ đội luôn được chỉ huy các cấp hết sức quan tâm. Đặc biệt, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đảo...".

Thượng úy, bác sĩ Thái Ngọc Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Trần Ngọc Quang. 

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong năm 2015, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Trường Sa đã ứng cứu 535 lượt người gặp nạn trên biển. Đặc biệt, các lực lượng chức năng và chuyên môn đã cấp cứu thành công hàng chục ca bệnh hiểm nghèo, giúp nhiều ngư dân giữ được tính mạng. Trong những trận bão của năm 2015, cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chuyên môn đã hướng dẫn cho hàng nghìn lượt tàu thuyền của ngư dân vào đảo Trường Sa để trú tránh, bảo đảm an toàn. Cũng trong năm 2015, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã hỗ trợ hơn 600 lượt tàu cá của ngư dân khi gặp khó khăn trên biển; trực tiếp hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác cho 450 lượt tàu cá khi đánh bắt trên ngư trường trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Sau hai ngày được phẫu thuật và điều trị tại Bệnh xá đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), ngư dân Trần Ngọc Quang (32 tuổi, quê ở Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể, sau hơn hai tuần rời đất liền, tàu cá của anh đã ra đến ngư trường Trường Sa. Trong khi đang đánh bắt hải sản, anh bị đau bụng dữ dội. Mặc dù được các ngư dân trên tàu dùng mọi biện pháp sơ cứu, nhưng cơn đau mỗi lúc một tăng, khiến cho sức khỏe của anh suy kiệt dần. Trước tình huống cấp thiết, thuyền trưởng của anh Quang đã phát tín hiệu cấp cứu. Ngay sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá, lực lượng trực canh của Trạm cứu hộ, cứu nạn Trường Sa đã nhanh chóng cơ động tiếp cận tàu cá và đưa anh Quang vào đảo cấp cứu. Tại Bệnh xá đảo Trường Sa, sau khi chẩn đoán, các y sĩ, bác sĩ phát hiện anh Quang bị mắc bệnh thoát vị bẹn, cần phải phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật kéo dài hơn hai giờ. Được các y sĩ, bác sĩ bệnh xá trên đảo tiến hành điều trị khẩn trương, chính xác nên anh Quang đã may mắn qua cơn nguy kịch. Ngày 14-1, anh Quang đã phục hồi sức khỏe tốt và trở về đất liền.

Gặp chúng tôi, ngư dân Trần Ngọc Quang xúc động nói: “Tôi may mắn được các y sĩ, bác sĩ của Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Không những thế, sự tận tâm, tận tình và chu đáo của đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở đây đã tạo cho chúng tôi cảm giác thân thiện, gần gũi như họ là người thân vậy. Việc cứu hộ, cứu nạn kịp thời các trường hợp gặp nạn khiến ngư dân chúng tôi rất yên tâm bám biển, bám ngư trường...”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không chỉ có ngư dân Quang mà còn nhiều người khác đã may mắn được cấp cứu kịp thời nhờ sự tận tình của các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa. Thượng úy, bác sĩ Thái Ngọc Bình, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa chia sẻ: “Tất cả các ca cấp cứu đều trong tình trạng nguy kịch với thời gian ngắn, gấp, đòi hỏi sự quyết đoán rất cao. Tuy nhiên, do được thủ trưởng các cấp tạo điều kiện, quan tâm, theo dõi và chỉ đạo kịp thời về chuyên môn nên hầu hết các ca cấp cứu đều thành công. Chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở đây...”.

Trực tiếp tham gia nhiều đợt cứu hộ, cứu nạn, Thượng úy Nguyễn Đức Thuận, Trạm cứu hộ, cứu nạn Trường Sa cho biết: "Để kịp thời ứng cứu ngư dân khi gặp nạn, cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn duy trì nghiêm chế độ trực trong mọi điều kiện thời tiết. Trong các ca trực, bộ đội có trách nhiệm tiếp nhận tất cả thông tin và yêu cầu trợ giúp trên biển, báo cáo chỉ huy trực để kịp thời có phương án hỗ trợ hiệu quả các tình huống. Trước những khó khăn và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ phải luôn đoàn kết, thống nhất cao, động viên, hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đỗ Thế Tuyến khẳng định: “Mỗi năm có hàng trăm trường hợp ngư dân gặp nạn, gặp rủi ro trên biển cần được hỗ trợ kịp thời. Vì thế, các ca, kíp trực luôn được duy trì thường xuyên. Mỗi khi nhận được tín hiệu cấp cứu, chúng tôi đều tổ chức ứng cứu ngay và nhanh chóng đưa người bị nạn vào đảo để chữa trị. Vì vậy, hầu hết các ca nguy kịch đều được xử lý kịp thời... ”.

Sự có mặt thường xuyên của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển nói chung và lực lượng cứu hộ, cứu nạn của đảo Trường Sa nói riêng đã dần khẳng định vị thế, vai trò của mình. Đặc biệt, do thực hiện hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn nên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chuyên môn của đảo Trường Sa luôn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH