Hạnh phúc đối với họ không chỉ là những vụ mùa “no quả trong hạt” mà còn là niềm tự hào khi góp một phần sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương.

Người mang phở sắn ra thị trường miền Trung

Đó là  CCB Trương Đăng Nhẫn, ở thị trấn Đông Phú (Quế Sơn, Quảng Nam)- một lão nông “chân đất”. Nhớ về những tháng ngày chiến đấu, ông bộc bạch: “16 tuổi tôi được phân công nhiệm vụ nắm thông tin của địch ở xã Sơn Xuân (nay là xã Quế Châu) báo cho bộ đội ta biết. Có hôm giả đò đi học, mang gạo và muối lên tiếp tế cho bộ đội, tôi bị một tên lính Mỹ bắt được đánh suýt chết”.

Sau những tháng ngày hành quân đánh giặc, trở về với cuộc sống đời thường, không cam chịu đói nghèo, ông Nhẫn quyết định vực dậy kinh tế gia đình bắt đầu từ cây sắn. Sau này, cùng với sự giúp sức của các cấp, ngành, ông cùng nhiều hộ gia đình trong vùng quyết tâm “đánh thức” làng nghề phở sắn. Hiện nay, tổ dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú nơi ông ở được xem là địa phương sản xuất phở sắn nhiều nhất của huyện và đã đăng ký thương hiệu vào năm 2009. Từ khi có máy đánh bột chạy bằng điện, người làm phở đỡ tốn công sức, năng suất tăng lên gấp đôi, lợi nhuận từ đó cũng tăng theo. Nếu như trước đây vợ chồng ông sản xuất 30-40kg bột sắn/ngày thì nay tăng lên 60-70kg/ngày. Thu nhập bình quâncủa một người giữ ở mức từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

CCB Trương Đăng Nhẫn. 
CCB Trương Đăng Nhẫn không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Ông Nhẫn được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, rồi nhóm trưởng làng nghề phở sắn Thuận An, chi hội trưởng chi hội nông dân. Ông Nhẫn thổ lộ: “Cuộc sống bà con quê mình còn nhiều vất vả nên dù việc nhỏ hay lớn, nếu trong khả năng giúp đỡ được thì tôi luôn sẵn lòng. Cứ ai hỏi, mình biết gì thì nói lại thôi”. 

Cựu chiến binh nuôi cá lóc trên cát

Giữa những nổng cát trắng mênh mông ở xã Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam), ít ai nghĩ rằng con người có thể làm kinh tế giỏi trên đó. Nhưng thương binh Võ Văn Biên đã làm được điều này. Ông từng là tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 (Quân khu 5). Năm 1982, ông xuất ngũ trở về quê hương làm kinh tế. Đau đáu nỗi niềm với vùng cát trắng bạc màu của quê hương, ông đã không ngừng học hỏi từ các mô hình làm kinh tế hiệu quả. Thành công đã mỉm cười khi ông bén duyên với nghề nuôi cá lóc vàng trên cát thông qua những người bạn cùng quân ngũ. Ông chia sẻ: “Trước đây, vùng cát trắng này chỉ trồng được cây môn, cây khoai, cây sắn. Bởi vậy, tôi phải quyết tâm đổi đời trên chính quê hương mình”.

Từ ba chiếc ao ban đầu, ông thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Sau hơn 5 năm ông đã phát triển lên 12 ao với tổng diện tích mặt nước 480m2. Mỗi vụ, ông thả gần 45 nghìn con cá giống. Sau 6 tháng nuôi, ông thu hoạch 15 tấn cá thương phẩm, lãi hơn 150 triệu đồng. Không chỉ là “bậc thầy” trong nghề nuôi cá lóc trên cát, ông Biên còn tâm huyết trong công tác xã hội, giúp đỡ, hướng dẫn bà con xung quanh cùng vươn lên làm giàu. Ông Phan Văn Vỹ, người dân xã Hương An cho biết: “Bác Biên luôn chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cho mọi người. Ai muốn học nghề bác đều chỉ bảo tận tình, không giấu giếm chi cả”.

Nói về các mô hình làm kinh tế giỏi của CCB trong huyện, ông Lưu Văn Hạ, Chủ tịch Hội CCB huyện Quế Sơn, cho biết: “Nhiều hội viên hội CCB trong huyện vừa làm kinh tế giỏi, vừa tham gia nhiệt tình các phong trào ở địa phương; là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Trên khắp vùng đất Quế Sơn còn rất nhiều CCB chăm chỉ, cần cù trong lao động như ông Nhẫn, ông Biên. Tất cả họ đã và đang cùng nhau viết nên những câu chuyện vượt khó làm giàu khiến bao người nể phục.

Bài và ảnh: HOÀI THƯƠNG