Hơn nửa tháng nay, một số nhà dân và công trình xây dựng thuộc tổ  27, phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) đã bị lún sụt, biến dạng, đổ nghiêng xuống sông Hồng, khiến người dân sống trong lo âu, thấp thỏm. Thế nhưng việc di chuyển những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm không phải đơn giản vì chưa bố trí được khu tái định cư. 

Hiện trường sau vụ sạt lở tại tổ 27, phường Ngọc Lâm.

Báo động sạt lở trên diện rộng

Đã từ lâu, cứ đến mùa nước sông Hồng lên cao là khu vực dân cư dọc theo sông Hồng thuộc địa bàn quận Long Biên lại bị sạt lở. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, khiến nhiều hộ dân không chỉ mất đất đai, nhà cửa mà tính mạng còn bị đe dọa. Thời điểm này, dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng số điểm, diện tích sạt lở ngày càng phát sinh và tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Chúng tôi có mặt tại tổ 27, phường Ngọc Lâm, nơi vừa diễn ra sạt lở nghiêm trọng, làm nhiều hộ dân mất nhà cửa, công trình phụ. Từ mép bờ sông nhìn lên, những “hàm ếch” sâu hoắm ăn vào tận móng nhà của người dân. Hàng chục ngôi nhà nằm chênh vênh, rất có thể đổ sụp xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Một số ngôi nhà đã lún sụt hẳn xuống, một số nằm nghiêng ngả dựa vào nhau. Các bức tường nhà chằng chịt vết nứt.  

Bà Nguyễn Thị Mắn sống trong khu vực sạt lở cho biết, cách đây hơn một tháng khu vực này đã bắt đầu sụt nhẹ, đến cuối tháng 5 thì tình trạng sụt lún nghiêm trọng hơn. UBND phường Ngọc Lâm đã kêu gọi người dân di dời người và tài sản ra khỏi nhà. Bà Mắn cho biết: “Căn nhà của gia đình tôi đã đổ ụp xuống sông Hồng, sau mấy ngày tôi mới đến ở nhờ nhà người thân”. Không riêng gia đình bà Mắn, những hộ gia đình thiệt hại nặng như nhà anh Ngô Phong An, căn nhà diện tích 14,5m2 đã đổ ụp hoàn toàn xuống sông; nhà anh Bùi Văn Thuận tổng diện tích 33m2 bị đổ 12m2… Được biết, đợt sạt lở vừa qua ở khu vực tổ 27 lấn sâu về phía bờ từ 1,5 đến 7m với chiều dài 40m. 

Ông Phạm Phong Nhã, thanh tra xây dựng phường Ngọc Lâm cho biết: “Từ năm 2005 đến nay, đây là đợt sạt lở nghiêm trọng nhất diễn ra trên địa bàn phường Ngọc Lâm. Năm 2005, bắt đầu sạt lở từ ngoài vùng bãi, năm 2006 sạt lở bờ sông làm 6 nhà dân bị sụt đổ”. Cách đó không xa, trên địa bàn phường Ngọc Thụy, từ năm 2005 đến nay tốc độ sạt lở sâu vào khu dân cư mỗi năm lên tới 100m. Mới đây nhất  vào năm 2009, tại khu vực tổ 35 (đoạn qua sông Đuống) hàng chục ngôi nhà đã bị “hà bá” nuốt chửng.

Nguyên nhân của sự sụt lún là do biến đổi dòng chảy, dẫn tới từng khúc sông bồi, lở khác nhau. Theo cảnh báo của các chuyên gia thì sự chênh lệch mực nước giữa mùa lũ và mùa cạn lên đến hàng chục mét, không kể mùa lũ hay mùa khô, đất có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Do vậy, không được xây nhà trong những vùng đã có quy hoạch về sạt lở và phòng, chống lũ sông Hồng. Một người dân phường Ngọc Lâm cho biết: “Mặc dù khi làm nhà, người dân trong phường cũng đã ép cọc bê tông, nhưng do nền đất quá yếu, nên việc sụt lún là không thể tránh khỏi”.

Bố trí tái định cư không nên chậm trễ!

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm: Việc sụt lún vừa qua trên địa bàn tổ 27, phường Ngọc Lâm đã làm 15 hộ bị ảnh hưởng, mất nhà cửa, công trình phụ. Trước hiện tượng sạt lở tại khu vực ven sông Hồng còn nhiều diễn biến phức tạp, UBND phường đã lập biên bản yêu cầu 15 hộ dân trong vùng bị sụt lún di dời người và tài sản ra khỏi nhà. UBND phường vận động người dân không quay về sinh sống ở khu vực sụt lún. Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng, UBND quận Long Biên hỗ trợ mỗi hộ đã di dời 6 triệu đồng, UBND phường Ngọc Lâm hỗ trợ 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn phường vẫn còn 24 hộ khác nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao. UBND phường đã kiến nghị gửi UBND quận và đề xuất giải pháp cho kè chân bờ bãi sông Hồng, hạn chế tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, đề xuất phương án tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân. Hiện tại, UBND phường đã đưa ra phương án tạm thời di dời 15 hộ dân trên về trụ sở tổ dân phố 27 và nhà văn hóa phường, thế nhưng không có hộ nào thực hiện theo. Người dân cho rằng, tập trung về đây cuộc sống tạm bợ, điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng cho cuộc sống. Hầu hết họ chuyển đến nhà người thân ở tạm. 

Để hiểu thêm về những điều ông Chủ tịch UBND phường tâm sự, chúng tôi đã xuống cơ sở tìm hiểu. Một số người dân cho biết: Do chính quyền quận và thành phố không bố trí được chỗ tái định cư, nên cứ mùa nước nổi chúng tôi lại phải sơ tán đi nơi khác, khi thấy tình hình “yên ắng” lại trở về nhà cũ sinh sống. Một người dân cho biết: Chúng tôi cũng muốn có nơi ở ổn định lắm chứ, nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí, thuê nhà ở thì điều kiện không cho phép.

Cuộc sống và tính mạng của người dân vùng sạt lở thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên đang từng ngày, từng giờ bị đe dọa, nhưng biện pháp khắc phục từ các cơ quan chức năng còn quá chậm. Chúng tôi kiến nghị, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần phải có giải pháp bố trí tái định cư cho các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đừng để tình trạng "trứng để đầu đẳng"  tồn tại quá lâu, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bài và ảnh: Phạm Kiên