Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã phỏng vấn ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Hùng.

PV: Ông có thể đánh giá đôi nét về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng QLTT trong thời gian qua?

Ông Trần Hùng: Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công thương, với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động, năm 2017 Cục QLTT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cục đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng QLTT, nhiều cán bộ tiêu biểu đã được bộ tặng bằng khen. Năm qua, Cục QLTT đã tham mưu với Bộ Công thương ban hành các văn bản chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mặt công tác khác.

Năm 2017, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý trên 4 nghìn vụ vi phạm thuốc lá nhập lậu; xử phạt vi phạm hành chính trên 19 tỷ đồng; tịch thu trên 1,8 triệu bao thuốc lá các loại. Về vấn đề sản xuất, kinh doanh rượu, phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm; xử phạt trên 2 tỷ đồng, trị giá vi phạm trên 1,8 tỷ đồng, tạm giữ trên 57.000 lít, gần 3.000 chai và 2.000 vỏ chai rượu các loại… Lực lượng QLTTv đã kiểm tra trên 30.000 vụ về an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý trên 15.000 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính gần 30 tỷ đồng...

Những kết quả trên góp phần giúp cho thị trường trên cả nước ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, phục vụ có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

PV: Thưa ông, tình hình thị trường và tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất dự báo sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Trần Hùng: Trong những ngày cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình thị trường tương đối ổn định, hàng hóa, dịch vụ khá phong phú, đa dạng, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất, dự trữ sản phẩm cung ứng ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng; nhiều địa phương có chương trình bình ổn giá nhằm giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm, luân chuyển hàng hóa của người dân sẽ tăng cao. Lợi dụng điều này, tình trạng buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm quy định về niêm yết giá, hàng nhập lậu, hàng cấm… gia tăng, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và gây mất ổn định thị trường. Một số cá nhân, cơ sở sản xuất đã có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm tối đa hóa lợi nhuận. 

Thời gian qua dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát song tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng các đối tượng buôn lậu thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt để chống đối lực lượng chức năng.

PV: Vậy, trước thực trạng trên, Cục QLTT đã có giải pháp gì để góp phần ổn định thị trường?

Ông Trần Hùng: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục QLTT chủ động xây dựng kế hoạch và có các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm. Cụ thể, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Mậu Tuất; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán theo quy định; kiểm tra nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; thực hiện đo lường chất lượng hàng hóa; bình ổn giá; kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, tung tin bịa đặt, liên kết độc quyền ép giá và tăng giá trái quy định của Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh... Đồng thời, tăng cường công tác chống buôn lậu trên cả khâu lưu thông và nội địa nhằm tập trung lực lượng đánh đúng, đánh trúng vào các đối tượng, tụ điểm buôn bán hàng nhập lậu quy mô lớn…

Bên cạnh đó, cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn thực phẩm còn cần sự chung tay của người tiêu dùng. Ngoài việc tự nâng cao kiến thức về phân biệt, lựa chọn các thực phẩm có chất lượng, sạch, uy tín, người dân cũng nên thông báo cho cơ quan chức năng biết mỗi khi phát giác những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… kiên quyết nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với các cơ sở kinh doanh, cần tuân thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe, lợi ích cho người tiêu dùng và cũng là cho chính mình.

Thời điểm cận kề Tết Mậu Tuất 2018, các cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, kết hợp với phát hiện, xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Thực hiện tốt các giải pháp này, tôi tin rằng sẽ giải quyết hiệu quả tình trạng vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm, để người dân đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DIỆU THÚY (thực hiện)