Người dân muốn tiện, nhà xe đánh liều

Quận Cầu Giấy được cho là một trong những địa bàn trọng điểm về tình trạng “xe dù, bến cóc”. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử tại các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu…, hành khách với tay nải, vali kẻ ngồi, người đứng. Khi vắng bóng lực lượng công an và thấy xe khách đúng chuyến của mình chạy qua, những người này ngay lập tức xách đồ đạc nhảy lên và cửa xe mau chóng đóng lại.

Ứng trực tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, Đại úy Lê Văn Đông, Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, cho biết, chỉ cần thấy bóng lực lượng chức năng, những chiếc xe khách sẽ không dừng, đỗ đón trả khách mà đi chầm chậm trên đường.

“Hành khách đi những tuyến xe này đã liên hệ trước với nhà xe vì thường là đi quen. Do vậy, khi được báo là có công an làm nhiệm vụ, xe thì chạy "như rùa bò", còn hành khách thì chạy đuổi theo xe, thậm chí đi ra giữa đường, hoặc chạy lên tận đầu cầu vượt Phạm Văn Đồng mới lên xe. Thực tế này là bài toán rất khó đối với chúng tôi trong việc xử lý”, Đại úy Lê Văn Đông chia sẻ.

Đội Cảnh sát giao thông số 6 xử lý các nhà xe vi phạm đón, trả khách sai nơi quy định. 

Về phía nhà xe, anh Nguyễn Phương Nam, chủ xe khách tuyến Hà Nội - Thái Bình chia sẻ: “5 năm nay chúng tôi bị điều chuyển xuống bến xe Nước Ngầm theo quy định của thành phố để giảm tải tình trạng tắc đường và chúng tôi đã chấp hành. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài chúng tôi không có khách. Trong khi đó, khách đi quen xe vẫn gọi điện đặt chỗ nên một là để duy trì vận hành, hai là phục vụ nhu cầu của hành khách chúng tôi vẫn phải chấp nhận vi phạm các quy định…”.

Về phía người dân, chính cái tâm lý “tiện đường", "nhà em gần bến" hay "em đang vội cho kịp chuyến”… đã khiến họ tặc lưỡi.

Ngay từ năm 2017, TP Hà Nội đã điều chuyển tuyến xe khách liên tỉnh theo các trục đường như: Các tuyến theo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa.

Các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào các bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe nước Nước Ngầm, Giáp Bát.

Thông qua hình thức xử phạt hành chính và nhắc nhở, nhiều nhà xe cam kết sẽ không tái phạm. 

Việc điều chuyển này là hợp lý về mặt quản lý, nhưng lại bất cập ở việc người dân có nhu cầu đi lại nếu ở xa các bến xe thì thường tìm cách linh động bằng cách bắt xe trên đường để tìm được 1 chỗ ngồi trên xe chuyến đông đúc ngày lễ. Điều này dẫn tới việc nhiều nhà xe “đánh liều” đón trả khách dọc đường, vừa dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vừa khiến tình trạng “xe dù, bến cóc” trở nên nhức nhối.

Vấn nạn Limousine

Trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có rất nhiều văn phòng nhà xe kinh doanh loại hình xe Limousine trá hình xe hợp đồng du lịch. Lực lượng chức năng chỉ có chức trách xử lý khi phương tiện dừng, đỗ đón trả khách tại khu vực cấm dừng, đỗ. Còn để xử lý việc xe đón trả khách tại nhà thì rất khó khăn.

Hành khách đi xe chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân, phía nhà xe liền thảo một hợp đồng vận tải khách du lịch theo đúng quy định. Khi xe dừng đón khách, lái xe sẽ cho khách hàng ký vào tờ hợp đồng trên, một hình thức lách luật gây khó khăn cho công tác xử lý. Chính tâm lý “được phục vụ như thượng đế”, được đưa đón tận nhà của hành khách đã tạo điều kiện cho việc hình thành các “xe dù, bến cóc” khó có thể xử lý triệt để.

Xe dù, bến cóc, nhất là loại hình xe Limousine là vấn nạn nhức nhối.

Là đơn vị quản lý các tuyến địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và đặc biệt là bến xe Mỹ Đình, Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đây là địa bàn tương đối phức tạp về các dịch vụ kinh doanh xe khách vận tải, đặc biệt là dọc tuyến Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng.

“Việc xe khách, xe hợp đồng du lịch trá hình lợi dụng để đưa đón khách những tuyến cố định là tương đối phức tạp. Thời gian qua, đơn vị cũng đã bố trí các tổ hóa trang tuần tra kết hợp công khai để kịp thời phát hiện, xử lý nhưng quá khó nếu muốn giải quyết triệt để”, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6 thông tin thêm.

Để xử lý vấn đề trên, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 6 quyết liệt xử lý tình trạng xe dù, bến cóc và giải tán các trường hợp bán trà đá, “xe ôm” trái phép vì đây là những đối tượng được các nhà xe thuê để chỉ cần thấy bóng dáng lực lượng công an sẽ báo cho nhà xe để tránh bị xử phạt.

Để xử lý vấn đề xe dù, bến cóc, việc quan trọng không chỉ nằm ở cơ quan quản lý, mà còn sự đồng hành, tuân thủ quy định của hành khách và người dân sử dụng dịch vụ vận tải. 

Ngoài ra, đối với những trường hợp hành khách đứng dọc đường đón xe, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, nhắc nhở dù mong manh nhưng cũng hy vọng họ sẽ vì an toàn tính mạng bản thân trước nguy cơ tai nạn giao thông rình rập để có ý thức chấp hành hơn.

Đối với các xe khách vi phạm dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6 cũng cho biết, đã đề xuất lắp camera “phạt nguội” trên các tuyến thường xảy ra vi phạm. Hy vọng, cơ quan quản lý Nhà nước về dịch vụ vận tải sớm có biện pháp cụ thể để giải quyết triệt để tình trạng “đến hẹn lại đông” của xe dù, bến cóc, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết.

Bài, ảnh: NGỌC HUY